Tôi có theo dõi thông tin trên báo chí đưa tin về vụ tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất ở Thủ Thiêm. Cho tôi hỏi việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất này có phải chịu trách nhiệm bồi thường gì hay không vì hậu quả của việc bỏ cọc này cũng gây ra không ít khó khăn và thiệt hại cho các bên còn lại?

Nguồn ảnh: Internet

Trả lời:

Vừa qua việc Tân Hoàng Minh xin chấm dứt hợp đồng mua bán lô đất 2,43 tỷ đồng một m2 ở Thủ Thiêm được cho sẽ làm "méo mó thị trường".

Ngày 10/1, Chủ tịch Tân Hoàng Minh có tâm thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá 24.500 tỷ ở Thủ Thiêm, sẵn sàng chấp nhận chế tài khi đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất ở bán đảo này.

Trong tâm thư Chủ tịch hội đồng thành viên công ty Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng nêu lý do "nhận thấy kết quả đấu giá sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng" nên xin bỏ cọc (588,4 tỷ đồng).

Hậu quả gây ra

Thực chất trong hoạt động đấu giá, đấu thầu đất trên thực tiễn cũng đã có rất nhiều trường hợp chủ động bỏ cọc lô đất mình trúng thầu nhưng vụ việc của Tân Hoàng Minh lại nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận bởi lẽ giá trúng thầu lô đất ở Thủ Thiêm là một con số vô cùng lớn với giá lập đỉnh là 2,43 tỷ đồng/m2. Việc bỏ thầu lô đất ở Thủ Thiêm đã tạo ra một cơn sốt lớn đối với thị trường bất động sản, kéo theo đó là nhiều khu vực thay đổi hay thổi giá đất lên cao hơn.

Bên cạnh đó, việc Tân Hoàng Minh trả giá cao hơn 700 tỷ đồng để vượt lên trúng đấu giá lô đất này đã phần nào tác động xấu đến thị trường bất động sản, giá trị các lô đất xung quanh bị đảo lộn tạo ra một sự mất cân đối đối với giá đất của những khu vực khác. Giá trị đất Thủ Thiêm được đẩy giá lên cao gấp nhiều lần so với giá đất của những quận trung tâm như quận 1 của TP. Hồ Chí Minh gây ra hệ lụy về cơ hội để sở hữu nhà ở cho người lao động ngày càng xa hơn rất nhiều.

Căn cứ theo Điều 51 Luật đấu giá tài sản Trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên, sau khi đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá đã công bố người trúng đấu giá mà tại cuộc đấu giá người này từ chối kết quả trúng đấu giá thì người trả giá liền kề là người trúng đấu giá, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá và người trả giá liền kề chấp nhận mua tài sản đấu giá.

Tuy nhiên, trong trường hợp này cuộc đấu giá đã kết thúc và Tân Hoàng Minh cũng chấp nhận kết quả trúng thầu, không từ chối, các bên đã ký vào biên bản đấu giá nên cho dù bên trả giá liền kề có chấp nhận mua tài sản đấu giá thì cũng không được coi là trúng thầu khi ông chủ Tân Hoàng Minh tuyên bố bỏ cọc.

Khi Tân Hoàng Minh có văn bản chính thức gửi UBND TP.HCM để báo cáo, gửi Trung tâm phát triển quỹ đất, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất thì trong trường hợp này doanh nghiệp từ chối kết quả trúng đấu giá, không tiếp tục thực hiện hợp đồng với Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM. Theo quy định tại Điều 52 Luật đấu giá tài sản cuộc đấu giá này không thành công và phải tổ chức lại cuộc đấu giá khác.

Trách nhiệm đặt ra khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc

Căn cứ khoản 3 Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015, đặt cọc là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ giữa các bên. Theo đó, đặt cọc được định nghĩa cụ thể tại khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự này cũng quy định trường hợp bên đặt cọc sau thời hạn thỏa thuận mà không thực hiện việc ký kết hợp đồng thì số tiền dùng để đặt cọc sẽ thuộc về bên nhận cọc.

Điều này đồng nghĩa, nếu hai bên đã thực hiện hợp đồng đặt cọc để mua đất mà bên đặt cọc không muốn mua nữa thì bên đặt cọc sẽ mất số tiền đặt cọc cho bên nhận đặt cọc trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận bên đặt cọc không bị mất tiền nếu không thực hiện hợp đồng mua bán sau khi hết hạn đặt cọc.

Vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, Công ty Ngôi Sao Việt có thể phải mất khoản tiền đặt trước là gần 588,5 tỷ đồng - bằng 20% mức giá khởi điểm của lô đất 3-12 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015, khoản tiền đặt trước này sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, sẽ thuộc về ngân sách nhà nước.

Ngoài việc bị mất số tiền đặt trước là 588,4 tỷ đồng theo quy định tại Khoản 6 Điều 39 Luật đấu giá tài sản thì Tân Hoàng Minh không bị bất kỳ chế tài phạt gì.

Sau vụ việc của Tân Hoàng Minh vừa qua có thể thấy được rất nhiều những hạn chế từ phía pháp luật về chế tài xử lý đối với những doanh nghiệp tham gia đấu giá đã trúng thầu mà bỏ cọc, không tiếp tục thực hiện. Với con số 588,4 tỷ tiền cọc bị mất nhưng những hệ lụy gây ra cho thị trường bất động sản là tương đối lớn.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer