Chào luật sư, tôi tên là N.L.A (30 tuổi). Trước đây tôi có quen anh T là chủ của một doanh nghiệp và đã có gia đình. Mối quan hệ giữa chúng tôi bị chị vợ phát hiện và đã nhiều lần yêu cầu chấm dứt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thường xuyên qua lại lén lút. Mới đây, khi tôi mang thai đứa con của anh ấy thì anh ấy đột ngột qua đời. Bản thân tôi không có việc làm ổn định và dựa vào trợ cấp của anh. Để đảm bảo cho con của chúng tôi có cuộc sống tốt hơn, tôi đã đến gặp vợ của anh T đề nghị chị thay anh T chu cấp tiền để chăm sóc và nuôi cho đến khi trưởng thành. Bản thân tôi biết thân phận nên không đòi hỏi gì nhưng vợ anh T không những không đồng ý mà còn chửi bới, đuổi tôi ra khỏi nhà. Vậy luật sư cho tôi hỏi, tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi cho con của chúng tôi? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Hình ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet
Trả lời:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi, Luật sư Sao Việt đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Theo những thông tin mà bạn cung cấp thì bạn đang mang thai đứa con của anh T thì khi đứa trẻ được sinh ra và còn sống sẽ là người thừa kế đối với di sản do anh T để lại. Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật dân sự 2015 thì:
“Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết…”.
Trong trường hợp anh T chết không để lại di chúc thì tài sản của anh T sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết và những người ở cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Anh T là cha ruột của thai nhi mà bạn đang mang cho nên thai nhi cũng sẽ được hưởng phần di sản bằng với những người nói ở trên.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 660 Bộ luật dân sự 2015 thì phần di sản bằng với phần di sản của những người thừa kế nói trên sẽ được dành lại đến khi đứa trẻ được sinh ra và còn sống, nếu thai nhi chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế nói trên sẽ được hưởng phần di sản đã để dành lại đó.
Như vậy, nếu anh T không để lại di chúc thì thai nhi vẫn có thể trở thành người thừa kế theo pháp luật như đã phân tích nêu trên nhưng bạn sẽ không được hưởng di sản do anh T để lại.
Trong trường hợp anh T có để lại di chúc thì di sản sẽ được chia thừa kế theo di chúc. Nếu trong di chúc anh T có cho bạn hưởng di sản thì bạn sẽ được hưởng phần di sản được ghi trong di chúc. Trong trường hợp di chúc anh T để lại không cho mẹ con bạn được hưởng di sản thì khi đứa trẻ được sinh ra vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 644, Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng”
Như vậy, hiện tại với những thông tin bạn cung cấp thì chưa đầy đủ, rõ ràng. Chúng tôi chưa thể biết được anh T có để lại di chúc hay không? Anh T để lại những tài sản gì? Người thừa kế của anh T gồm những ai?.... Cho nên để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho mẹ con bạn thì chúng tôi khuyên bạn nên tìm đến các công ty Luật hoặc văn phòng luật có uy tín để các luật sư nắm rõ vụ việc hơn. Trong trường hợp bạn có yêu cầu thì các luật sư sẽ giúp bạn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mẹ con bạn. Các luật sư sẽ làm các công việc như:
- Thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định, xác minh khối lượng tài sản của anh T để lại;
- Xác định xem trước khi qua đời thì anh T có để lại di chúc hay không?
- Gửi các đơn từ, tài liệu và làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Hay thực hiện các hoạt động khác để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mẹ con bạn.
Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:
Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896
E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com