Kể từ khi Nghị định 88/2015/NĐ-CP, tiếp đó là Nghị định 28/2020/NĐ-CP, nay là Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) được ban hành, nhiều diễn đàn đã “rầm rộ” trao đổi việc doanh nghiệp sẽ bị phạt do đóng chậm, không đóng kinh phí công đoàn, mức phạt lên đến 75 triệu đồng. Băn khoăn về vấn đề này, nhiều bạn đọc đã gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt: Doanh nghiệp có bắt buộc phải thành lập công đoàn cơ sở ? Không đóng kinh phí công đoàn có bị phạt không?
 
Dưới đây là những giải đáp của Chúng tôi về vấn đề này:
 
1. Doanh nghiệp không có nghĩa vụ pháp lý phải thành lập công đoàn cơ sở, việc thành lập công đoàn cơ sở là quyền và sự tự nguyện của những người lao động
 
Theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật lao động 2019 thì: “Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật công đoàn”.
Luật công đoàn 2012 quy định cụ thể như sau:
Tại khoản 1 Điều 5 Luật công đoàn 2012 quy định:Người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp  có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn” và khoản 1 Điều 6 Luật công đoàn 2012 cũng quy định: “Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.”
 
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên thì:
  • Doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải thành lập công đoàn cơ sở, việc thành lập này là hoàn toàn tự nguyện
  • Người lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có quyền thành lập hoặc gia nhập, hoạt động tổ chức công đoàn mà không ai có thể ép buộc hay ngăn cấm người lao động.
Có nên thành lập Công đoàn cơ sở?

Theo nhiều nhà quản lý doanh nghiệp: “Dung hòa được lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động chính là một “phương thuốc” hữu hiệu để thúc đẩy một doanh nghiệp phát triển bền vững”. Nhưng thực tế cho thấy, quyền lợi của người lao động - của nhóm chủ thể được coi như “máu thịt” của doanh nghiệp lại luôn bị “rút bớt”. Và Công đoàn cơ sở chính là đơn vị được lập ra để điều chỉnh lại sự mất cân đối đó, vai trò này đã được “luật hóa” tại Luật công đoàn 2012 và Bộ Luật lao động 2019 (chương XIII về tổ chức đại diện người lao động tai cơ sở). 
 
Xuất phát từ những lợi ích thiết thực trên cho thấy thành lập công đoàn cơ sở là việc nên làm mặc dù đây là quyền và sự tự nguyện của người lao động.
 

* Điều kiện thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp
Theo Khoản 1 Điều 16 Điều lệ công đoàn 2013, Điều 12 Hướng dẫn số 238/HD – TLĐ ngày 04/3/2014 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI thì điều kiện thành lập công đoàn cơ sở bao gồm:
- Có ít nhất 05 đoàn viên công đoàn hoặc 05 người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn Việt Nam;
- Có tư cách pháp nhân.
 
* Về quy trình thành lập công đoàn cơ sở:
Theo Điều 17 Điều lệ công đoàn 2013 và Điều 13 Hướng dẫn số 238/HD –TLĐ ngày 04/3/2014 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI, thì quy trình thành lập công đoàn cơ sở gồm 3 bước sau:
 
Bước 1: Thành lập ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở:
- Điều kiện thành lập Ban vận động: Khi có từ ba người lao động trở lên đang làm việc tại doanh nghiệp có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
- Người lao động (có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam) tự tập hợp, thống nhất bầu Trưởng ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở;
- Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở có trách nhiệm: tổ chức vận động thành lập Công đoàn cơ sở; vận động người lao động tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam; để nghị công đoàn cấp trên trực tiếp hướng dẫn việc tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở.
 
Bước 2: Tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở:
Công đoàn cấp trên hướng dẫn ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở việc tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở:
- Nội dung hội nghị gồm:
+ Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và tổ chức thành lập Công đoàn cơ sở;
+ Tuyên bố thành lập Công đoàn cơ sở;
+ Bầu ban chấp hành Công đoàn cơ sở;
+ Thông qua trương trình hoạt động của Công đoàn cơ sở.

 
- Đối với việc bầu cử Ban chấp hành tại Hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người trúng cử phải có số phiếu tán thành quá ½ so với số phiếu thu về. Phiếu bầu phải có chữ ký của trưởng ban vận động ở góc trái, phía trên phiếu bầu.
 
Bước 3: Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ra quyết định công nhận:
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (Liên đoàn lao động cấp quận, huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính) có trách nhiệm thẩm định tính hợp pháp của quá trình thành lập Công đoàn cơ sở.

 
- Trường hợp đủ điều kiện thì ra các quyết định: công nhận đoàn viên, công nhận Công đoàn cơ sở, công nhận ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành;
- Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì ra thông báo bằng văn bản không công nhận đoàn viên hoặc Công đoàn cơ sở, ban chấp hành Công đoàn cơ sở tới Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở.

* Hồ sơ đề nghị công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở:
- Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở;
- Danh sách đoàn viên, kèm theo đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động;
- Biên bản hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở;
- Biên bản kiểm phiếu bầu Ban chấp hành Công đoàn cơ sở.
 
2. Nghĩa vụ đóng “KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN” của doanh nghiệp và chế tài khi vi phạm
2.1. Mọi doanh nghiệp đều có nghĩa vụ đóng “KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN”
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn 2012 và Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP thì doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn không phân biệt doanh nghiệp đã có hay chưa có công đoàn cơ sở.
Lưu ý: “Kinh phí công đoàn” khác “đoàn phí công đoàn”. Đóng kinh phí công đoàn là trách nhiệm của doanh nghiệp, đóng đoàn phí công đoàn là trách nhiệm của đoàn viên công đoàn.
 
Mức kinh phí công đoàn phải đóng?

Căn cứ quy định tại các Điều 5, 6, 7 Nghị định 191/2013/NĐ-CP thì: Mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn tại Phòng kế toán của Liên đoàn lao động cấp huyện với mức đóng là 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
 
Lưu ý: Đối với tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh đóng kinh phí công đoàn theo tháng hoặc quý một lần cùng với thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trên cơ sở đăng ký với tổ chức công đoàn.
 
2.2. Chế tài hành chính khi doanh nghiệp không đóng “KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN”
Hôm nay, ngày 25/11/2015 (Nghị định 88/2015/NĐ-CP có hiệu lực), chính thức có chế tài cho hành vi không thực hiện nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp.
Chế tài này được quy định cụ thể tại Khoản 17 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP bổ sung Điều 24c vào Nghị định 95/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Điều 24c. Vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn
1. Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng kinh phí công đoàn;
b) Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;
c) Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
2. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và số tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”
 
Ví dụ: doanh nghiệp A tại Hà Nội có 10 người lao động (trình độ cử nhân) thuộc đối tượng phải đóng BHXH với mức thấp nhất hiện nay 3.317.000 đồng thì:
Kinh phí công đoàn doanh nghiệp này phải  đóng là: 2% x (10 x 3.317.000 đồng) = 663.400 đồng
Khoản tiền phạt nếu chậm đóng (tạm tính): 12% x 663.400 đồng = 79.608 đồng
Khoản tiền phạt nếu không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động (tạm tính): 18% x 663.400 đồng = 119.412 đồng
 
Nhìn vào ví dụ có thể thấy mức tiền phạt không quá cao, tuy nhiên nếu doanh nghiệp có nhiều lao động và mức đóng BHXH cao thì khoản tiền này cũng không nhỏ và lẽ ra không đáng mất, nếu doanh nghiệp chú ý thực hiện đúng ngay từ đầu. Vấn đề tài chính đối với một số doanh nghiệp có thể không phải điều đáng quan ngại nhưng cái chính là uy tín, thương hiệu bị ảnh hưởng sau khi vụ việc bị phát hiện. “lợi hại” như thế nào chắc hẳn các doanh nghiệp đều tự nhận định được. Do đó, một lần nữa theo Chúng tôi các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm vấn đề này hơn.
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer