Chào Luật sư, trước đây gia đình tôi cho chú A vay 2 tỷ đồng để làm ăn, lãi suất 12%/năm, thời hạn vay 2 năm. Đến nay đã trễ hạn thanh toán tiền gốc 7 tháng mà chú A vẫn chưa chịu trả, viện lý do xin khất hết lần này đến lần khác. Vì vậy, đầu tháng 5 bố tôi đã viết đơn khởi kiện ra Tòa yêu cầu chú A trả tiền. Trong thời gian chờ giải quyết, thấy chú A rao bán căn nhà (trị giá 1 tỷ rưỡi) – là tài sản duy nhất của chú nên nhiều người mách bố tôi làm đơn nhờ Tòa án phong tỏa tài sản để tránh việc chú A tẩu tán. Nhờ Luật sư hướng dẫn giúp tôi các thủ tục cần làm để Tòa án áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản của chú A?

Trả lời

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý:

- Khoản 11 Điều 114, Điều 126 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

- Điều 133 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015

- Nghị quyết 02/2020/NQ - HĐTP

Kết luận: Để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án cũng như thi hành án, bố bạn với tư cách là nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong đó có biện pháp phong tỏa tài sản để ngăn chặn việc chú A (người có nghĩa vụ) chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ chỉ được áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án khi có 2 yếu tố sau:

+ Có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản

+ Việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án

Lưu ý: Tài sản bị áp dụng biện pháp phong tỏa phải có giá trị tương đương nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện”.

Thủ tục áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ

Về phía đương sự: Đương sự làm đơn gửi đến Tòa án đang giải quyết vụ việc

Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản phải có các nội dung chính sau đây:

- Ngày, tháng, năm làm đơn;

- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

- Tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

- Lý do cần phải áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản;

- Các yêu cầu cụ thể về việc phong tỏa tài sản

Kèm theo đơn phải có chứng cứ thể hiện việc chú A định bán căn nhà – là tài sản duy nhất, trốn tránh việc trả nợ.

Về phía Tòa án:

Do bạn không nêu rõ thời điểm bố bạn làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản là trước hay sau khi mở phiên Tòa nên sẽ có 2 trường hợp như sau:

  • Đương sự nộp đơn yêu cầu trước khi mở phiên Tòa:

Thẩm quyền giải quyết: Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án sẽ xem xét đơn và các chứng cứ tài liệu đi kèm

 + Nếu đơn chưa đầy đủ nội dung hoặc chứng cứ chứng minh chưa đầy đủ: Thẩm phán yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 24h

+ Nếu đơn từ, chứng cứ hợp lệ:

Người có đơn yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm (nộp một số tiền tương ứng với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản không đúng – ít nhất bằng 20% giá trị tài sản) tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, Tòa án. Sau khi đương sự thực hiện xong, Thẩm phán ra ngay quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản

+ Nếu không có căn cứ áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản: Thẩm phán thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu;

Thời hạn giải quyết: tối đa 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn.

  • Đương sự nộp đơn yêu cầu tại phiên tòa:

Thẩm quyền giải quyết: Hội đồng xét xử xem xét, thảo luận, giải quyết tại phòng xử án.

Nếu xét thấy có căn cứ áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản: người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Xuất phát từ đặc điểm của biện pháp phong tỏa tài sản có thể gây thiệt hại, tổn thất (nếu áp dụng không đúng), do đó, người có yêu cầu phải nộp một khoản tiền hoặc đồ vật bảo đảm có giá trị ít nhất bằng 20 % giá trị tài sản bị yêu cầu phong tỏa.

 Sau khi người yêu cầu thực hiện xong, Hội đồng xét xử ra quyết định áp dụng phong tỏa tài sản.

Lưu ý: Thời điểm thực hiện biện pháp bảo đảm bắt đầu từ khi Hội đồng xét xử ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm, nhưng người yêu cầu phải xuất trình chứng cứ về việc đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer