Tôi có một người em trai, do va chạm với xe đầu kéo nên hai vợ chồng chú ấy đã mất, để lại 2 người con. Trong đó người cháu cả (22 tuổi) đã đi lấy chồng, còn cháu thứ hai mới 7 tuổi sống với bà ngoại. Thấy hoàn cảnh cháu bé đáng thương, bà ngoại ngày càng già yếu nên có người ngỏ ý muốn nhận cháu thứ 2 làm con nuôi. Biết chuyện vợ chồng cháu cả kiên quyết không đồng ý, thậm chí còn đưa ra những yêu cầu quá đáng đối với người muốn nhận nuôi. Tôi rất bức xúc với thái độ của cháu cả và đã nhiều lần khuyên bảo nhưng các cháu vẫn rất cố chấp. Nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi trường hợp này nếu cháu cả không đồng ý thì tôi có thể thay cháu làm thủ tục cho nhận con nuôi được không?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt.

Để giải đáp cho thắc mắc của bạn về việc bạn (với tư cách là bác ruột) có được thay thế cháu cả ( chị ruột) thực hiện thủ tục cho nhận con nuôi được không, chúng tôi đã hệ thống lại thành các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, xác định giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên

Giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định theo Điều 52 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó:

“Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:

1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.”

Mặt khác, tại Khoản 3, Điều 46 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.

Xét trong trường hợp bạn đề cập, người cháu thứ hai (7 tuổi) đã mất hết cha mẹ, chỉ còn chị gái ruột (22 tuổi), khi đó chị gái được mặc định là người giám hộ đương nhiên của cháu (dù việc giám hộ có hoặc không được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền) trừ trường hợp người chị này không đáp ứng các điều kiện để trở thành người giám hộ. Các điều kiện để trở thành người giám hộ gồm:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

- Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

- Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.

- Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

(Điều 49 Bộ luật dân sự 2015)

Thứ hai, thủ tục cho nhận con nuôi bắt buộc phải có sự đồng ý của người giám hộ đương nhiên

Một trong những điều kiện tiên quyết khi thực hiện thủ tục cho nhận trẻ em làm con nuôi, đó là việc cho nhận con nuôi phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ dù là cho nhận con nuôi trong nước hay nước ngoài. Điều này được cụ thể hóa tại Điều 21, Điều 33 Luật nuôi con nuôi 2010.

Điều 21 Sự đồng ý cho làm con nuôi

1. Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

2. Người đồng ý cho làm con nuôi quy định tại khoản 1 điều này phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi.

3. Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

4. Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày

 Điều 33. Trách nhiệm kiểm tra, xác minh hồ sơ và xác nhận trẻ em có đủ điều kiện được cho làm con nuôi

Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, tiến hành lấy ý kiến của những người quy định tại Điều 21 của Luật này trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Việc lấy ý kiến phải lập thành văn bản và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người được lấy ý kiến….

Từ những phân tích trên đây, có thể thấy, chị cả đang là người giám hộ đương nhiên của cháu, do đó việc cho con nuôi bắt buộc phải được sự đồng ý của chị cả. Trường hợp người cháu cả kiên quyết không để em làm con nuôi của gia đình khác thì bạn cũng không thể thực hiện thủ tục cho nhận con nuôi thay cháu cả.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếpSố 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Emailcongtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer