37 năm trước, tôi bị lạc gia đình, sau đó được cho vào trại mồ côi và may mắn được bố mẹ nuôi người Đức nhận nuôi. Hai năm trước nhờ bạn bè đăng tìm trên Facebook mà tôi tìm lại được gia đình tại Việt Nam của mình nhưng vì tình hình dịch bệnh nên không thể sắp xếp về Việt Nam được. Đầu năm nay, mẹ ruột tôi đã mất, bố tôi thì mất nhiều năm trước rồi, nay tôi về Việt Nam chỉ còn các anh chị em ruột. Tôi muốn hỏi nếu tôi muốn nhận cha, mẹ của mình trên giấy tờ hợp pháp thì có được không? Nếu được thì mong luật sư tư vấn giúp tôi thủ tục như thế nào?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Quyền nhận cha, mẹ của con được quy định rõ ràng tại Khoản 1, Điều 90 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết”.
Như vậy đối với trường hợp của bạn thì ngay cả khi cha mẹ bạn đều đã mất, bạn vẫn có quyền nhận lại cha, mẹ của mình. Quyền yêu cầu xác định cha, mẹ cho con cũng là quyền lợi chính đáng của công dân, được quy định tại khoản 1 Điều 102 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 101 của Luật này”. Đồng thời khoản 1, Điều 101 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp”.
Như vậy, trường hợp của bạn, bạn hoàn toàn có quyền làm thủ tục nhận cha mẹ. Thông thường, thủ tục nhận cha, mẹ được quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch và Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp; tuy nhiên thủ tục này chỉ được thực hiện khi cha, mẹ bạn còn sống bởi việc đăng ký nhận cha, mẹ con tại UBND xã bắt buộc cần sự có mặt của các bên. Vì vậy đối với trường hợp của bạn cần yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và Gia đình:
” 2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.
Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”
Thẩm quyền xác định cha, mẹ, con: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cha mẹ bạn cư trú trước đây
Để yêu cầu xác định cha, mẹ, con; bạn cần phải làm hồ sơ khởi kiện yêu cầu tòa án xác định cha, mẹ, con bao gồm:
- Đơn khởi kiện yêu cầu xác định cha, mẹ, con
- CMND/CCCD, sổ hộ khẩu, hộ chiếu của các bên
- Giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con
Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com