Câu hỏi .
Tôi là người được thi hành án theo Bản án của Tòa án và Quyết định thi hành án dân sự theo yêu cầu từ năm 2016. Do người phải thi hành án không có tiền để trả nợ cho tôi, đất ở thì đã bị kê biên cho ngân hàng, tài sản có giá trị là 02 chiếc ô tô tải nên tôi đã đề nghị kê biên nhưng suốt từ đó đến nay là tháng 5/2018 chưa thực hiện được việc thi hành án. Việc chậm trễ như vậy làm cho giá trị sử dụng của 02 chiếc xe ô tô tải đó giảm đi,thậm chí 01 chiếc xe đã bị bán sau khi có Quyết định thi hành án theo yêu cầu, đến khi kê biên không bán đấu giá được hay giá thấp không đủ trả nợ cho tôi thì cơ quan nhà nước có trách nhiệm bồi thường gì không?
Trả lời
- Cơ sở pháp lý
- Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009;
- Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014;
- Thông tư liên tịch 17/2015/TTLT-BTP-BQP.
- Nội dung
Theo như nội dung bạn cung cấp thì Chấp hành viên đã không ra các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự khiến cho người phải thi hành án đã bán tài sản có thể đảm bảo thi hành án để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án và cũng không tổ chức thi hành quyết định thi hành án theo yêu cầu dẫn đến việc đến nay Quyết định thi hành án theo yêu cầu chưa được thực hiện.
Căn cứ Điều 38 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 quy định phạm vi, cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án như sau:
Trong hoạt động thi hành án dân sự phạm vi trách nhiệm bồi thường được quy định tại Điều 38
“Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong các trường hợp sau đây:
1. Ra hoặc cố ý không ra quyết định:
a) Thi hành án;
b) Thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án;
c) Áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án;
d) Cưỡng chế thi hành án;
đ) Thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án. e) Hoãn thi hành án;
g) Tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án;
h) Tiếp tục thi hành án.
2. Tổ chức thi hành hoặc cố ý không tổ chức thi hành quyết định quy định tại khoản 1 Điều này.”.
Tuy nhiên, căn cứ Điều 4 Thông tư liên tịch 17/2015/TTLT-BTP-BQP quy định rất rõ căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người thi hành công vụ ra quyết định hoặc tổ chức thi hành quyết định về thi hành án dân sự quy định tại Điều 38 của Luật chỉ phát sinh khi có đủ các căn cứ sau đây:
“a) Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật;
b) Hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 38 của Luật;
c) Có thiệt hại thực tế xảy ra;
d) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ”.
Do đó, nếu việc chấp hành viên chậm trễ trong việc thực hiện quyết định thi hành án mà có đầy đủ các yếu tố trên thì bạn mới có thể yêu cầu trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Để được tư vấn cụ thể hơn, vui lòng gửi mail về cho chúng tôi theo địa chỉ: congtyluatsaoviet@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp đến tổng đài 1900 6243.