Hỏi:

Tôi có cho chị B nợ một khoản tiền, chúng tôi có ghi giấy mượn tiền nhưng nội dung giấy không có ngày hẹn trả và lãi suất theo thỏa thuận là 2.000đ/1 triệu/ngày. Tôi có liên hệ với chị B đề nghị trả tiền thì chị B nói với giọng thách thức “không trả làm được gì”. Giờ tôi muốn hỏi, với lãi suất như vậy thì có bị coi là cho vay nặng lãi hay không và Nếu tôi muốn kiến chị B ra tòa thì tôi nên gửi đơn kiện đến đâu? Hiện tại chị B đăng ký hộ khẩu tại Hà Tĩnh nhưng sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
 
Trả lời:
Chào bạn, với câu hỏi của bạn công ty Luật TNHH Sao Việt xin giải đáp như sau:
          Vì câu hỏi của bạn không cung cấp được thông tin khoản vay này xác lập từ năm nào nên chúng tôi sẽ đặt giả thiết khoản vay này được xác lập sau ngày 29/11/2010.
Câu hỏi 1: Lãi suất mà bạn thỏa thuận với B là 2.000đ/1 triệu/ngày, với lãi suất như vậy thì có bị coi là cho vay nặng lãi hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 476 Bộ luật dân sự 2005 quy định về lãi suất vay: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”
Căn cứ Quyết định 2868/QĐ-NHNN 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2010, lãi suất cơ bản là 9%/ năm.
Như vậy, lãi suất do các bên thỏa thuận sẽ không được vượt quá: 9% x 150% = 13,5%/ năm
Lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là: 13,5 :12 = 1,125%/tháng
Như vậy, hiện tại bạn cho chị B vay với lãi suất 2.000đ/1 triệu/ngày tương đương với 6%/tháng
ở mức lãi suất thỏa thuận này đã vượt quá mức lãi suất tối đa mà pháp luật cho phép.
Tuy nhiên, Theo Điều 163 Bộ luật hình sự quy định về tội cho vay nặng lãi
1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lộtthì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Lãi suất vay của bạn hiện gấp lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định là: 6%x 1,125% = 6,75 (lần)
Như vậy, với mức lãi suất như vậy thì bạn chưa cấu thành tội cho vay nặng lãi theo quy định của pháp luật
Ngoài ra, khi bạn khởi kiện thì bạn chỉ được pháp luật bảo vệ số tiền bằng với lãi suất cơ bản của  Ngân hàng nhà nước quy định, còn số tiền lãi vượt quá  phần lãi suất cơ bản sẽ không được pháp luật bảo vệ.

 Câu hỏi 2: Nếu muốn khởi kiện thì bạn nên gửi đơn khởi kiện đến đâu:
 Căn cứ Bộ luật tố tụng dân sự 2004 về thẩm quyền của Toà án, bạn nên gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chị B cư trú, làm việc.
Ở đây, chị B đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hà Tĩnh nhưng lại đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội. Trong trường hợp này, có thể khởi kiện tại Hà Tĩnh (nơi thường trú) hoặc Hà Nội (nơi tạm trú). Tuy nhiên, muốn khởi kiện tại Hà Nội thì bạn phải xác định được nơi chị B đăng ký tạm trú. Trong trường hợp chị B chưa đăng ký tạm trú hoặc không xác định được thì phải xác định được nơi chị B đang sinh sống và có xác nhận của công an xã, phường nơi chị B đang sinh sống.
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer