Con gái tôi khi còn học Đại học đã quen với một người bạn học cùng lớp, hai đứa có phát sinh quan hệ và không may có bầu. Tuy nhiên cậu trai kia đã không nhận con và còn cặp kè với người khác. Sau đó gia đình tôi để cháu sinh con rồi cho hai mẹ con sang Nhật định cư. Vài năm trước vì Covid 19 mà con và cháu tôi chuyển hẳn về Việt Nam sống. Lúc này con tôi đã có điều kiện kinh tế rất tốt và cháu tôi cũng đã lớn, còn người bố kia cũng không hề ngó ngàng gì. Năm ngoái, con gái tôi mắc bệnh hiểm nghèo nên qua đời, trước lúc mất có để lại di chúc cho con hưởng toàn bộ tài sản. Không biết bố cháu nghe tin ở đâu mà bây giờ lại đến nhận con, lấy lý do thương nhớ cháu nhưng vì mẹ con cháu trước kia ở nước ngoài nên không tiện thăm nom, nay mẹ cháu mất rồi bố cháu muốn làm thủ tục nhận cha con để được chăm sóc, bù đắp cho con. Nói thật gia đình tôi có điều tra và biết hiện tại bố cháu không có khả năng nuôi cháu, bố cháu cặp kè nhiều người để đào mỏ, không có việc làm ổn định và chỗ ở hiện tại còn là nhà của một cô nhân tình. Chúng tôi nghĩ bố cháu chỉ muốn nhận con để hưởng tài sản thừa kế của cháu mà thôi chứ không phải thật lòng. Tôi muốn hỏi trong trường hợp của gia đình tôi thì bố cháu có giành nuôi con được không? Chúng tôi không muốn giao cháu cho người bố đó và cũng muốn giữ tài sản cho cháu để cháu lớn có thể có cuộc sống bảo đảm. Tôi xin cảm ơn luật sư rất nhiều.

Trả lời: 

Chào bác, trước hết cảm ơn bác đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bác, chúng tôi tư vấn cho bác như sau:

- Về việc người cha muốn làm thủ tục nhận cháu là con:

Trên thực tế người kia là bố của cháu bé, tuy nhiên trên phương diện pháp luật thì người đó không có quan hệ gì với cháu cả. Vì mẹ cháu bé đã mất cháu bé và trên pháp luật cháu không có cha nên cháu bé được hưởng chế độ giám hộ. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ có thể là anh ruột, chị ruột. Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ. 

Nếu muốn nhận con thì người bố cần phải có chứng cứ chứng minh quan hệ cha con. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con gồm:

+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con.

+ Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định thì các bên nhận cha, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, con theo quy định, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, con.

Nếu gia đình không tạo điều kiện cho người bố lấy mẫu xét nghiệm ADN thì người bố này không thể làm thủ tục nhận con ở UBND được. Khi đó nếu muốn nhận cha con, người này sẽ phải khởi kiện ra Tòa án và Tòa có thể sẽ đưa ra quyết định áp dụng biện pháp buộc người được xác định là con phải cung cấp mẫu thử để xét nghiệm ADN. Nếu kết quả xét nghiệm ADN xác nhận cháu bé là con của họ thì họ được quyền nhận con và Tòa án sẽ ghi nhận đây là bố của đứa trẻ.

- Về vấn đề tài sản mà mẹ cháu để lại cho cháu:

Vì mẹ cháu đã để lại di chúc nên những tài sản mẹ cháu để lại sẽ thuộc về cháu bé mà không được chia theo pháp luật. Do cháu chưa thành niên nên người giám hộ sẽ có trách nhiệm quản lý theo quy định của Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Quản lý tài sản của người được giám hộ

1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.

Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.”

Như vậy, ông, bà ngoại là người giám hộ đương nhiên của cháu nên có quyền quản lý tài sản thay cháu. Ngay cả khi người cha có thể nhận lại con thì cũng không được quản lý tài sản riêng của con khi con đang được người khác giám hộ, đây là quy định tại Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“3. Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”

- Về việc tranh chấp quyền nuôi con giữa ông bà ngoại và cha đứa trẻ:

Nếu người cha muốn tranh chấp quyền nuôi con thì cũng rất khó để giữ lại cháu bé bởi theo pháp luật thì cha và mẹ mới những người được ưu tiên quyền nuôi dưỡng con, chỉ khi không còn cha mẹ thì ông bà mới được quyền nuôi dưỡng. Cha hoặc mẹ chỉ bị tước quyền nuôi con trong một số trường hợp cụ thể theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: 

- Cha mẹ bị kết án về tội danh xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có các hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng và giáo dục con cái

- Có hành vi phá tán tài sản của con 

- Có lối sống đồi trụy 

- Cha mẹ xúi giục, ép buộc con cái làm điều trái pháp luật, trái với đạo đức xã hội. 

Ông bà ngoại nếu muốn giành quyền nuôi cháu, vì lợi ích của cháu thì cần chứng minh người cha thuộc một trong những trường hợp trên. Tùy từng trường hợp Tòa án có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu của các cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức để ra quyết định không cho cha mẹ trông nom, chăm sóc và giáo dục con cái, quản lý tài sản riêng của con hoặc không được phép là người đại diện theo pháp luật của con trong thời gian nhất định. 

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer