Bố mẹ tôi có 5 anh chị em (3 chị gái và 2 em trai). Bố tôi đứng tên trên sổ đỏ mảnh đất rộng 380m2. 2 năm trước họp gia đình thì tất cả thống nhất là cho 3 chị em tôi 80m2 đất và 2 em trai tôi 300m2 đất. Việc họp gia đình này đã được lập thành biên bản và có sự chứng kiến của đại diện tổ dân phố. Năm ngoái bố tôi mới sang tên sổ đỏ cho cậu em trai út 380m2 đất. Cậu em út đã bán cả 380m2 đất nhưng không chia cho 3 chị em tôi phần đất mà đã thống nhất trong cuộc họp gia đình. Vậy 3 chị em tôi có đòi được phần đất đáng nhẽ được nhận hay không (3 chị em tôi vẫn giữ biên bản họp gia đình) ?
Nếu mảnh đất này là tài sản riêng của bố bạn thì bố bạn được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định tại Khoản 1, Điều 167, Luật đất đai năm 2013 trong đó có quyền tặng cho. Vì vậy nên, bố bạn hoàn toàn có quyền quyết định việc cho ai mảnh đất này. Việc gia đình bạn đã lập biên bản họp gia đình thống nhất về việc chia đất không làm ảnh hưởng đến việc bố bạn thực hiện quyền của người sử dụng đất. Việc bố bạn cho cậu em trai út 380 m2 đất là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nếu mảnh đất này là tài sản chung của bố, mẹ bạn mà trên “sổ đỏ” chỉ đứng tên bố bạn thì bố bạn chỉ được định đoạt phần đất thuộc quyền sử dụng của mẹ bạn nếu bố là người đại diện của mẹ bạn trong các trường hợp quy định tại Điều 24, Luật hôn nhân gia đình năm 2014 (mẹ bạn ủy quyền cho bố bạn hoặc mẹ bạn mất năng lực hành vi…). Nếu vào trường hợp này, căn cứ Khoản 2, Điều 26, Luật hôn nhân gia đình 2014 thì giao dịch tặng cho đất của bố bạn với cậu em út kia bị vô hiệu. Bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên hủy việc tặng cho đất của bố bạn.