Cho tôi hỏi: bác tôi hiện đang điều trị bệnh nặng tại bệnh viện trên Hà Nội và đang có mong muốn lập di chúc để lại căn nhà ở quê cho con trai trưởng. Vậy bác tôi có thể lập di chúc và công chứng trong bệnh viện được không?
Nguồn ảnh: Internet
Trả lời:
Đối với việc lập di chúc trong trường hợp của bác bạn nói riêng hay việc lập di chúc nói chung thì vấn đề về hoàn cảnh lập di chúc, địa điểm lập di chúc không phải là những vấn đề quyết định tính pháp lý của di chúc đó. Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015, Luật 91/2015/QH13, ngày 24/11/2015 quy định:
“ Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”
Như vậy, di chúc là văn bản được lập ra khi một người có tài sản và muốn để tài sản của mình cho người khác sau khi người đó chết. Di chúc thể hiện ý chí của cá nhân nên không phụ thuộc vào người khác, không phụ thuộc vào nơi tiến hành lập di chúc.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý một số điều kiện để di chúc được coi là hợp pháp. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 thì di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
2. Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Việc lập di chúc của bác bạn tại bệnh viện đang điều trị khi đảm bảo các điều kiện trên thì được công nhận là một bản di chúc hợp pháp. Tuy nhiên, để tránh những tranh chấp không đáng có xảy ra sau này, khi những người thừa kế khác lấy lý do người lập di chúc không đủ minh mẫn, bị lừa dối hoặc cưỡng ép,… thì việc công chứng di chúc là cần thiết bởi vì nó tránh được tối đa các rủi ro pháp lý có thể gặp phải sau này.
Đối với trường hợp bác của bạn muốn công chứng di chúc tại bệnh viện, Luật Công chứng 2015 cũng quy định về trường hợp này tại Điều 44, theo đó, trong trường hợp người lập di chúc là người già yếu, không thể đi lại được do ốm đau, bệnh tật… mà không thể đến trụ sở của Phòng/Văn phòng công chứng thì công chứng viên có thể công chứng ngoài trụ sở.
Giấy tờ khi đi công chứng di chúc cần có:
Theo quy định tại mục thủ tục chung về công chứng Luật công chứng 2014 quy định:
- Phiếu yêu cầu công chứng điền đủ các thông tin của người yêu cầu công chứng và nội dung cần công chứng…
– Bản sao giấy tờ cá nhân của người yêu cầu công chứng như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu;
(Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc).
– Bản di chúc dự thảo (nếu có)
– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản: sổ đỏ, hợp đồng mua bán nhà đất, giấy tờ xe,…
Các giấy tờ trên chỉ cần là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực. Khi nộp bản sao thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.
Ngoài ra, trong trường hợp không thể thực hiện được việc công chứng di chúc trong bệnh viện vì lý do khách quan, và bác của bạn lập di chúc trong trạng thái tinh thần suy giảm, không được minh mẫn và không thể tự tay viết và kí tên thì di chúc được lập sẽ phải có ít nhất 2 người làm chứng, người làm chứng cho bản di chúc được quy định tại Điều 632 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 632. Người làm chứng cho việc lập di chúc
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com