Từ thời xa xưa, tư tưởng cha truyền con nối đã ăn sâu bám rễ trong suy nghĩ của hầu hết mọi người dân Việt Nam. Cũng bởi vậy, nhiều người vẫn đinh ninh rằng đã là con ruột thì đương nhiên sẽ được hưởng thừa kế từ bố mẹ. Vậy theo quy định của pháp luật, có phải mọi trường hợp con cái đều được hưởng thừa kế của bố mẹ hay không? Có trường hợp nào ngoại lệ?
Ảnh minh họa: Interenet
Trả lời:
Khi nhắc đến thừa kế, nguyên tắc cốt lõi chính là sự tôn trọng ý chí, nguyện vọng của cá nhân để lại di sản thông qua nội dung được đề cập trong di chúc. Trường hợp không có di chúc, hoặc di chúc vô hiệu, thì phần di sản đó sẽ được chia theo pháp luật. Trong đó, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết là những người có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống gần nhất, được thừa kế trước tiên:
Điều 651 BLDS 2015 quy định:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Tuy nhiên, những người thuộc hàng thừa kế nói trên sẽ không được quyền hưởng di sản thừa kế nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 gồm:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Lưu ý: Những cá nhân nêu trên vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Ngoài 4 trường hợp nêu trên, con cái cũng không được hưởng thừa kế từ bố mẹ nếu có cả hai yếu tố sau đây:
- Bố mẹ lập di chúc nhưng không cho con hưởng thừa kế theo di chúc (di chúc hợp pháp)
- Con đã thành niên và có khả năng lao động
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com