Hỏi: Ông Ngô Hữu Dũng nhà ở thành phố Hà Nội có cho Hợp tác xã cơ khí X thuê nhà. Đến năm 1996 ông Ngô Hữu Dũng có nhu cầu sử dụng nhà để ở nên đã yêu cầu HTX trả lại nhà cho ông nhưng HTX không trả. Sau đó ông Dũng vó viết đơn khiếu kiện yêu cầu Toà án nhân quận H thành phố Hà Nội giải quyết, nhưng tại bản án sơ thẩm Toà án không đồng ý với yêu cầu đòi lại nhà của ông Dũng, ông Dũng tiếp tục làm đơn kháng án lên Toà án nhân dân thành phố Hà Nội. Vì tuổi đã cao đi lại gặp nhiều khó khăn nên ông Ngô Hữu Dũng có uỷ quyền cho luật sư  Nguyễn Tiến Đăng thay mặt mình trong tố tụng để đòi lại ngôi nhà trên. Hỏi

  1. Việc ông Ngô Hữu Dũng uỷ quyền cho luật sư Nguyễn Tiến Đăng thay mặt mình trong tố tụng để đòi lại ngôi nhà trên có được pháp luật công nhận không?
  2. Việc uỷ quyền được chấm dứt khi nào?
  3. Trong trường hợp khi vụ án đang được giải quyết thì ông Dũng (nguyên đơn) chết thì vụ việc này được giải quyết như thế nào nếu:

+ Người thừa kế hợp pháp của ông Dũng là anh Ngô Tuấn Anh (con trai ông Dũng) ? Trong trường hợp anh Tuấn Anh vẫn tiếp tục uỷ quyền cho anh Đăng nhưng Toà án lại yêu cầu anh Tuấn Anh phải có mặt tại phiên Toà, như vậy có phải là Toà án cố tình sách nhiễu nhân dân không?
+ Ông Dũng không còn người thừa kế hợp pháp?

Đáp: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi, câu hỏi của bạn Công ty Luật TNHH Sao Việt xin tư vấn như sau:
a. Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 pháp luật thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, thì đương sự là công dân có thể làm giấy uỷ quyền cho luật sư hoặc người khác thay mặt mình trong tố tụng, trừ việc ly hôn và huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Vì vậy việc ông Dũng uỷ quyền cho luật sư Nguyễn Tiến Đăng thay mặt mình tham gia tố tụng là hoàn toàn hợp pháp.
 
b. Theo quy định tại Điều 23 Pháp lệnh này thì "Người đại diện được uỷ quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự trong phạm vi được uỷ quyền". Như vậy, nếu trong vụ án "đòi lại nhà cho thuê" được nêu trong trường hợp trên, việc uỷ quyền của nguyên đơn cho người khác tham gia tố tụng tại Toà án cấp phúc thẩm thì sau khi Toà án cấp phúc thẩm xét xử xong là việc uỷ quyền đương nhiên chấm dứt.
 
c.  Trong vụ án này ông Dũng (nguyên đơn) uỷ quyền cho ông Đăng tham gia tố tụng tại Toà án cấp phúc thẩm (thay mặt mình tham gia tố tụng khi vụ án phải giải quyết lại) và khi vụ án đang được giải quyết lại thì ông Dúng chết, trường hợp này theo quy định chung của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Toà án phải ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, nếu chưa có người thừa kế tham gia tố tụng (Điểm a khoản 1 Điều 45); ra quyết định đình chỉ việc giải quyết án, nếu quyền, nghĩa vụ của đương sự không được thừa kế (điểm 1, Điều 46).
 
Trong trường hợp đã xác định được có người thừa kế, thì Toà án phải hỏi ý kiến của người thừa kế có tiếp tục uỷ quyền cho người mà trước đây nguyên đơn đã uỷ quyền hoặc tự mình tham gia tố tụng hoặc uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng để trên cơ sở đó Toà án chấp nhận hay không chấp nhận việc tham gia tố tụng khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.
 
Khi xét xử Toà án yêu cầu anh Tuấn Anh phải có mặt tại phiên toà cũng không hề vi phạm pháp luật. Bởi vì theo đúng tinh thần hướng dẫn tại điểm 3 Mục VI Nghị quyết số 3/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự: "mặc dù đương sự đã uỷ quyền cho người đại diện, nhưng đương sự vẫn có quyền tự mình tham gia tố tụng. Toà án cũng có quyền triệu tập đương sự đích thân tham gia tố tụng khi xét thấy cần thiết" (xem cuốn Các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng; tập 2, trang 297; xuất bản năm 1992).
 
+ Nếu trong vụ án "đòi nhà cho thuê" trên đây, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã có đầy đủ căn cứ để khẳng định rằng nguyên đơn chết không có người thừa kế quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật, thì áp dụng điểm 1 Điều 46 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.

Trên đây là tư vấn của công ty luật Sao Việt, nếu có thêm thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 1900 6243.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer