Chị Hương (Hà Giang) : Em có vay tín chấp ở MB bank, em vay 37 triệu, đóng trong vòng 19 tháng, mỗi tháng 2 triệu 7. Khi bùng phát dịch COVID em vẫn đóng, dạo gần đây, do dịch nên việc làm ăn cũng khó khăn. em có xin ngân hàng cho khất lại 1 tháng ( em không có ý định quỵt hay bỏ trốn) nhưng bên ngân hàng không chấp nhận, họ bảo nếu không thanh toán họ sẽ khởi kiện em ra tòa. Vậy em phải làm thế nào, nếu không may bị kiện ra tòa, em sẽ bị xử lý như thế nào ạ?
Ảnh minh họa: Internet
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Vay tín chấp là một hình thức vay không cần tài sản bảo đảm; các tổ chức tín dụng xét duyệt khoản vay dựa vào uy tín và mức thu nhập của người vay. Hợp đồng vay tín chấp chính là hợp đồng vay dân sự, khi hai bên giao kết hợp đồng thì buộc phải tuân thủ các nghĩa vụ trong hợp đồng.
Căn cứ theo Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay:
"1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Như vậy, đối chiếu theo quy định trên, nếu trong hợp đồng vay tín chấp, giữa hai bên không có thỏa thuận nào khác, thì khi đến kỳ hạn thanh toán, bạn phải thực hiện nghĩa vụ trả đủ tiền vay và tiền lãi cho Ngân hàng. Hợp đồng vay tín chấp của bạn là hợp đồng vay có lãi, vì vậy khi đến hạn thanh toán, nếu bạn không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đầy đủ thì bạn phải trả các khoản lãi theo quy định tại Khoản 5 Điều 466 BLDS 2015 nói trên.
Trường hợp trong hợp đồng vay tín chấp giữa hai bên có thỏa thuận khác về thời gian chậm trả hoặc phương thức trả như: bên vay không thể trả đủ tiền thì có thể trả bằng các tài sản có giá trị khác. bạn có thể thỏa thuận với ngân hàng để giãn nợ, thay đổi hoặc gia hạn thêm thời hạn thanh toán nợ,...
Đối với trường hợp, giữa bạn và ngân hàng không thể tự thỏa thuận hoặc sau thời hạn thanh toán nợ trong hợp đồng vay ,bạn vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thì Ngân hàng hoặc đơn vị được ủy quyền có thể khởi kiện bạn ra Tòa án theo thủ tục Tố tụng dân sự, buộc bạn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Trên đây là bài viết của Luật Sao Việt đối với vấn đề trên. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com