Xin chào Luật Sao Việt, tôi và chồng kết hôn năm 2014. Từ năm 2018 tôi có mở một tài khoản ngân hàng mang tên mình và gửi tiết kiệm đều đặn hàng tháng đến nay. Gần đây em chồng có gọi điện vay tiền tôi để làm ăn kinh doanh. Tôi định rút tiền từ tài khoản ngân hàng của tôi cho em chồng vay. Nhưng tôi phân vân không biết có nên nói cho chồng biết chuyện này không vì ngày trước hai anh em có xảy ra xích mích, không nói chuyện với nhau đã lâu. Vậy tôi có buộc phải cho chồng biết và có sự đồng ý từ chồng không? Trường hợp nếu chồng tôi biết mà muốn đòi lại tiền và hủy hợp đồng vay thì có được không? Xin chân thành cảm ơn Luật Sao Việt.

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hôn nhân gia đình 2014 bao gồm:

- Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp tài sản được phát sinh từ tài sản đã chia trong thời kỳ hôn nhân.

- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

 Tài sản riêng của vợ chồng theo Điều 43 Luật Hôn nhân gia đình 2014 được xác định bao gồm:

- Tài sản hình thành trước thời kỳ hôn nhân

- Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, cũng là tài sản riêng của vợ hoặc chồng

- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ hoặc chồng, cũng là tài sản riêng của vợ hoặc chồng

- Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của mỗi người: ví dụ như quần áo, giày dép…

Như vậy, vợ chồng bạn đã kết hôn với nhau từ năm 2014. Sau đó năm 2018 bạn mở tài khoản ngân hàng đứng tên mình. Nếu tiền trong tài khoản này không được hình thành từ các nguồn tài sản riêng nêu trên thì sẽ thuộc phần tài sản chung của vợ chồng bạn.

Về việc định đoạt tài sản chung vợ chồng tại Điều 13 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định như sau:

- Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình.

- Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 16 Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về việc cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong giao dịch với người thứ ba thì "Trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì khi xác lập, thực hiện giao dịch vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan; nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự.”

Trường hợp bạn có cho em chồng vay nhưng khi thực hiện giao dịch đã không báo cho chồng dù việc  đó là nghĩa vụ của bạn. => Theo quy định tại Điều 16 thì em chồng của bạn được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.

Cụ thể tại Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“Điều 32. Giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.

1. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.

2. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình.”

Theo Khoản 1 Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015: “1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.”

Điều 167 Luật này "Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.”

Trong tình huống trên, khi bạn giao dịch với người em chồng của bạn là người thứ ba ngay tình và bạn đã đứng tên tài khoản ngân hàng năm 2018 thì theo Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, bạn là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng với bạn của bạn.

Kết luận: Vậy nên việc bạn rút tiền ngân hàng cho em chồng mình vay là giao dịch dân sự hợp pháp. Tuy số tiền cho người em chồng vay nằm trong tài sản chung vợ chồng giữa bạn và chồng nhưng đó là động sản, hơn nữa còn nằm trong tài khoản Ngân hàng của bạn nên bạn có quyền định đoạt đối với tài sản này. Em chồng là người thứ ba ngay tình và sẽ được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành.

Tuy không bị vô hiệu nhưng chồng bạn hoàn toàn có thể thực hiện việc khởi kiện và yêu cầu hoàn trả chi phí, bồi thường thiệt hại với bạn, do bạn trong trường hợp này là người có lỗi dẫn tới việc cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Mặt khác, là vợ chồng sống chung với nhau cả đời, chúng tôi khuyên bạn không nên giấu giếm mà hãy thông báo và nói chuyện rõ ràng với chồng việc bạn dùng tiền cho em chồng vay. Việc không trung thực tiền bạc trong đời sống vợ chồng có khả năng cao gây ra tổn thương niềm tin và tác động tiêu cực đến mối quan hệ hôn nhân gia đình.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer