Chào Luật sư. Tôi sang nước ngoài thăm con cháu 4 tháng nên đã nhờ người thân – anh A sang ở và trông nhà hộ. Trong thời gian này, anh A có giúp tôi tu sửa lại căn nhà sau ảnh hưởng của bão. Khi tôi về, anh A yêu cầu tôi phải thanh toán ngoài các chi phí tu sửa thì còn phải trả cho anh 15 triệu vì công sức anh đã bỏ ra, nhưng tôi không đồng ý. Nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi về việc anh A yêu cầu tôi trả 15 triệu vì công sức bỏ ra như vậy có hợp lý không?
Ảnh minh họa: Internet
Trả lời:
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Yếu tố công sức đóng góp, tôn tạo, bảo quản và duy trì tài sản được nhắc đến trong một số quy định pháp luật về hôn nhân gia đình, dân sự, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để Tòa án phân định mức hưởng tài sản, khoản tiền tương xứng với những gì mà cá nhân đó đã bỏ ra. Tuy nhiên hiện nay việc xác định yếu tố công sức trong các vụ việc vẫn chủ yếu theo hướng định tính, và pháp luật cũng chưa có văn bản cụ thể nào hướng dẫn về vấn đề này mà chủ yếu do các bên tự thỏa thuận, trường hợp các bên không thỏa thuận được thì có thể gửi đơn khởi kiện ra Tòa án để giải quyết.
Quy định pháp luật liên quan đến công sức đóng góp, bảo quản, làm tăng giá trị tài sản:
+ Hôn nhân gia đình:
Một trong những nguyên tắc cơ bản trong giải quyết tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn: tài sản chung được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;…(Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình 2014)
+ Dân sự:
Liên quan đến quyền của người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản :
- Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
- Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.
(Điều 618 BLDS 2015)
Quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mượn tài sản, hợp đồng gửi giữ tài sản:
- Thanh toán cho bên mượn chi phí sửa chữa, chi phí làm tăng giá trị tài sản, nếu có thỏa thuận (Điều 498 BLDS 2015)
- Yêu cầu bên gửi trả chi phí hợp lý để bảo quản tài sản trong trường hợp gửi không trả tiền công (Điều 558 BLDS 2015)
Từ những quy định nêu trên, liên quan đến việc tạo lập, đóng góp, bảo quản, tôn tạo tài sản, chúng ta cần phân biệt rạch ròi giữa hai yếu tố sau đây:
Chi phí: là số tiền đã bỏ ra để thực hiện công việc như chi phí thuê người sơn sửa căn nhà, thuê người thu hoạch hoa màu, chi phí có thể được biểu thị cụ thể dưới dạng các hóa đơn mua bán, xác nhận của người làm thuê,…
Công sức: sức lực, thời gian mà cá nhân đã bỏ ra để duy trì, bảo quản, tôn tạo tài sản để tránh hư hỏng, mất mát, giảm sút giá trị. Khác với chi phí, công sức không thể định lượng, đo lường qua giấy tờ hóa đơn, hay xác nhận cụ thể , khách quan của người khác. Chính vì vậy, việc đánh giá mức độ công sức một người bỏ ra thường gặp nhiều tranh cãi hơn so với với thanh toán chi phí.
Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể hay hướng dẫn về cách tính, xác định công sức, do đó, với trường hợp của bạn, để đánh giá việc anh A yêu cầu bạn trả 15 triệu ứng với công sức đã bỏ ra có hợp lý hay không, bạn có thể căn cứ theo các yếu tố sau đây:
- Thỏa thuận giữa hai bên: Thỏa thuận giữa các bên là nguyên tắc cốt lõi trong các giao dịch dân sự, được ưu tiên xem xét khi có tranh chấp phát sinh. Nếu trước đó giữa bạn và anh A có thỏa thuận, trao đổi qua điện thoại, tin nhắn, văn bản… thì dựa theo thỏa thuận để xác định . Hơn nữa , bản chất việc nhờ trông coi hộ nhà là hợp đồng gửi giữ tài sản, nếu hai bên không có thỏa thuận, anh A vẫn được quyền yêu cầu bạn thanh toán chi phí hợp lý như chi phí sửa chữa, công sức bảo quản tài sản ( nếu không có tiền công).
- Giá trị của tài sản, các yêu cầu đối với bảo quản tài sản: Tùy theo đặc tính và giá trị của tài sản, công sức bảo quản tài sản cũng khác nhau. Đối với tài sản có giá trị cao, việc bảo quản đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, biện pháp bảo quản đặc biệt, tiêu tốn thời gian, tiền bạc thì công sức bảo quản đương nhiên sẽ cao hơn so với các loại tài sản thông thường.
- Mức độ quan trọng của việc quản lý tài sản: Để đánh giá mức độ quan trọng, sự cần thiết trong quản lý tài sản, có thể xem xét trên nhiều khía cạnh: công sức của người quản lý đến đâu khi bảo quản, tôn tạo tài sản, nếu không có người quản lý tài sản thì tài sản có bị hỏng hóc, giảm giá trị không? Có thể thay thế người khác quản lý tài sản? Hoặc nhờ một cá nhân khác quản lý tài sản thì có đảm bảo và đạt hiệu quả cao như người đã/ đang quản lý.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com