Ngày 3/10/2022, tôi và vợ có di chuyển từ chỗ làm về nhà bằng xe máy hãng Dream. Tôi gửi xe tại bãi dừng dỗ đối diện nhà, xe tôi để ở phía ngoài. Khoảng 15 phút sau có một người đàn ông lái xe với tốc độ rất nhanh, mất kiểm soát và lao vào xe tôi. Sau khi va chạm, người đàn ông bị thương tích nặng và được đưa đi cấp cứu. Chiếc xe của tôi cũng bị hư hỏng nặng nề. Phía người đàn ông lái xe kia yêu cầu chúng tôi phải bồi thường thiệt hại cho họ. Tuy nhiên chúng tôi không đồng ý vì chúng tôi không làm gì sai dẫn đến thiệt hại cho ông ta. Mong Luật sư giải đáp giúp tôi về trường hợp này. Xin cảm ơn!
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Vụ việc của bạn chúng tôi trả lời như sau:
Phương tiện giao thông nói chung và xe mô tô hai bánh nói riêng được quy định thuộc nhóm nguồn nguy hiểm cao độ theo Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ngày 08/7/2006:
“1. Xác định nguồn nguy hiểm cao độ
a) Khi có phương tiện giao thông, công trình, vật chất hoặc loại thú nào đó gây ra thiệt hại, để có căn cứ áp dụng các khoản 2, 3 và 4 Điều 623 BLDS xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì phải xác định nguồn gây ra thiệt hại có phải là nguồn nguy hiểm cao độ hay không.
b) Để xác định nguồn nguy hiểm cao độ cần phải căn cứ vào khoản 1 Điều 623 BLDS và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan hoặc quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực cụ thể đó. Ví dụ: Để xác định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì phải căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ. Theo quy định tại điểm 13 Điều 3 Luật giao thông đường bộ thì phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật….”
Tuy nhiên khi áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải xác định thiệt hại đó do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay do hành vi sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay do người bị thiệt hại cũng có lỗi.
Căn cứ theo quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ( Điều 601 Bộ Luật dân sự 2015 + Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP), trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được áp dụng khi có các yếu tố:
+ Có thiệt hại xảy ra trên thực tế gây tổn thất về tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức.
+ Thiệt hại do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra: Xác định nguyên nhân gây thiệt hại trong trường hợp này cần lưu ý: Thiệt hại phải do tự thân hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mà không phải do lỗi của con người và thiệt hại xảy ra nằm ngoài khả năng kiểm soát và phòng ngừa của con người.
+ Không thuộc một trong các trường hợp :
- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.Ví dụ: Xe ô tô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật, thì bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị thương nặng hoặc bị chết. Trong trường hợp này chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó không phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ (xe ô tô) gây ra.;
- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết (trừ trường hợp có quy định khác)
=> Do vậy gia đình bạn không phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cho người đàn ông kia.
Mặt khác, theo thông tin bạn cung cấp, người đàn ông đâm vào xe bạn lái xe với tốc độ rất nhanh, mất kiểm soát, lao vào xe bạn – như vậy, người đàn ông này đã không tuân thủ quy định về an toàn giao thông dẫn đến việc gây ra thiệt hại cho người khác. Do đó bạn có thể yêu cầu bồi thường chi phí khắc phục, sửa chữa những hỏng hóc xe do hành vi của người đó gây ra dựa theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ Luật dân sự 2015:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này"
Xem thêm: Xe đi đúng luật, bất ngờ xảy ra sự cố gây tai nạn, chủ xe có phải bồi thường không?
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com