Câu hỏi: Xin chào Luật Sao Việt, tôi muốn được tư vấn về vấn đề như sau:

Tôi tên là Lê Thị Hạnh, tôi có một mảnh đất được ông nội tặng cho từ năm 2010, đã làm đủ giấy tờ đứng tên và tôi cũng đã sử dụng mảnh đất này 14 năm nay. Nhưng nay anh chị họ tôi tranh chấp quyền sử dụng mảnh đất của tôi. Anh tên A, chị tên H, anh A đã nộp đơn kiện và được Tòa án nhân dân huyện thụ lý, trong đó anh A là nguyên đơn, còn chị H là bị đơn.

Tôi muốn bảo vệ quyền lợi của mình trong vụ án này vậy tôi có thể tham gia vụ án với tư cách gì? Thủ tục đơn thư như thế nào mong luật sư hướng dẫn cho tôi? Tôi xin cảm ơn.

Ảnh minh hoạ, nguồn: internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

1. Xác định tư cách tham gia tố tụng

Theo quy định tại Khoản 6 – Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: 6. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự.

Như vậy, bạn có thể tham gia vào vụ án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo Khoản 6 – Điều 68 BLTTDS 2015 nêu trên vì quyền và nghĩa vụ của bạn liên quan trực tiếp đến vụ án.

2. Quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Các quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được quy định cụ thể tại Điều 73 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 70 của Bộ luật này;

b) Có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn.

2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án thì có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này. Trường hợp yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khởi kiện vụ án khác.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ có quyền lợi thì có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên bị đơn hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có quyền, nghĩa vụ của bị đơn quy định tại Điều 72 của Bộ luật này.

Theo quy định này, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn hoặc có thể có yêu cầu độc lập riêng. Bạn có thể yêu cầu Toà án chấp nhận đưa bạn vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, hoặc ngay cả khi bạn không đề nghị thì Toà vẫn phải đưa bạn vào, vì quyền và nghĩa vụ của bạn liên quan trực tiếp đến vụ án.

Ngoài ra, Điều 201 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định về quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như sau:

1. Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn thì họ có quyền yêu cầu độc lập khi có các điều kiện sau đây:

a) Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ;

b) Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết;

c) Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”.

Như vậy, khi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, bạn có các quyền sau:

+ Trình bày yêu cầu của mình để được tòa án giải quyết đồng thời với yêu cầu của nguyên đơn và bị đơn.

+ Thu thập, cung cấp chứng cứ và tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng.

+ Yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong phán quyết cuối cùng.

2. Cách thức thực hiện yêu cầu độc lập

Bạn cần chuẩn bị các tài liệu sau:

+ Đơn yêu cầu độc lập: Ghi rõ thông tin cá nhân, nội dung yêu cầu và căn cứ pháp luật.

+ Chứng cứ chứng minh: Giấy tờ tặng cho mảnh đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có), hoặc tài liệu khác chứng minh quyền sở hữu của bạn.

Lưu ý:

+ Nộp đơn yêu cầu đúng thời điểm: Bạn cần nộp đơn yêu cầu độc lập bằng văn bản trước khi tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

+ Đơn yêu cầu độc lập cần được nộp cho Tòa án nhân dân huyện Y, nơi đang thụ lý vụ án tranh chấp giữa anh An và chị Hoa. Tức theo Luật là Tòa án nơi có mảnh đất đang tranh chấp.

===================================================================================

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer