Tuấn Hùng: Thưa luật sư, mây hôm nay tôi liên tục nhận được các cuộc gọi đòi nợ từ phía ngân hàng dù tôi không hề vay tiền. Phía đòi nợ còn dùng lời lẽ xúc phạm và bắt buộc tôi phải trả tiền cho họ, họ còn gọi điện đến công ty của tôi và đe dọa tôi. Họ nói vì anh trai của tôi vay tiền đến hạn chưa chịu trả nợ nên tôi phải trả nợ cho anh tôi. Xin hỏi, tôi phải giải quyết việc này như thế nào? Mong luật sư tư vấn giúp, xin cảm ơn!
Nguồn ảnh: Internet.
Trả lời
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Theo quy định tại điều 463 và 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản và nghĩa vụ của bên vay như sau:
Điều 463. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Như vậy, trường hợp con trai của bạn vay nợ ngân hàng thì trách nhiệm trả nợ thuộc về anh trai của bạn. Bạn chỉ phải trả nợ cho anh trai trong trường hợp bạn tự nguyện hoặc bạn là người bảo lãnh về khoản vay của anh trai bạn mà thôi.
Trong trường hợp bộ phận đòi nợ của ngân hàng liên tục quấy rối làm phiền và có lời đe dọa với bạn là chưa đúng. Bạn không có trách nhiệm phải trả nợ thay cho anh trai của bạn.
Theo quy định tại điểm đ khoản 7 điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước quy định như sau:
Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Ngân hàng không được phép đòi nợ bạn vì bạn không phải là đối tượng phải trả nợ hay là đối tượng trả nợ thay. Theo thông tin bạn cung cấp, nhân viên đòi nợ của Ngân hàng có hành vi xúc phạm, làm phiền, cũng như gọi điện thoại đến nơi làm việc của bạn để quấy rối, do đó, theo quy địnhcủa pháp luật, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm g khoản 3 điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP:
“Điều 102. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác ”
Như vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn có thể trình báo hành vi vi phạm của phía ngân hàng đến Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông để yêu cầu xem xét xử phạt vi phạm hành chính về vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề này khá khó do bộ phận đòi nợ thường sử dụng nhiều sim số khác nhau. Bạn chủ động liên lạc với phía ngân hàng để giải thích rõ ràng về việc bạn không có trách nhiệm trả nợ cho anh trai của bạn.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com