Ông nội tôi mất cách đây 3 năm. Trước khi mất, ông chỉ kịp nói với bà rằng đã lập một bản di chúc phân chia đất đai cho các con cháu mà chưa kịp nói vị trí để bản di chúc. Sau khi ông mất, mọi người trong gia đình tôi đã cố gắng tìm bản di chúc nhưng không thấy, vì vậy khoảng 1 năm sau đó các chú đã khởi kiện ra Tòa án yêu cầu chia di sản thừa kế của ông.

Mãi cho đến đầu năm nay, bố tôi xây sửa lại nhà cho bà thì mới phát hiện ra tờ di chúc ông nội để lại, trong đó ông viết rõ tôi là cháu đích tôn nên ông chia cho 100 mét vuông đất – nằm trong phần đất bây giờ chú hai đang sử dụng. Bố tôi đã họp bàn gia đình và công bố bản di chúc của ông để mọi người cùng biết, đồng thời yêu cầu chú Hai cắt lại cho tôi diện tích đất như trong di chúc. Tuy nhiên chú Hai vẫn khăng khăng không trả, vì đã chia xong rồi.

Xin hỏi trong trường hợp này tôi phải làm gì để lấy lại đất mà ông nội đã cho tôi?

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 642 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hướng xử lý khi tìm thấy di chúc bị thất lạc như sau:

“…2. Trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.

3. Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.”

=> Trường hợp di sản đã được chia trước khi tìm thấy di chúc, việc chia lại di sản theo di chúc chỉ được thực hiện nếu có đủ các yếu tố sau đây:

Thứ nhất, di chúc tìm được phải đảm bảo tính hợp pháp theo quy định pháp luật.

Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

+ Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

+ Có hình thức phù hợp theo quy định pháp luật. Tham khảo thêm tại bài viết: Di chúc miệng thế nào là hợp pháp? Di chúc viết tay không công chứng có hiệu lực pháp lý không?

Thứ hai, thời điểm tìm được di chúc vẫn đang trong thời hiệu yêu cầu chia di sản. Thời hiệu yêu cầu phân chia di sản là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản. Thời hạn này được tính từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm ông nội bạn mất) đến thời điểm người thừa kế theo di chúc yêu cầu phân chia di sản.

Thứ ba, người thừa kế theo di chúc có yêu cầu chia lại di sản: việc chia lại di sản theo di chúc xuất phát từ việc đảm bảo quyền lợi cho người thừa kế theo di chúc do đó, nếu người thừa kế theo di chúc không yêu cầu chia lại di sản, nghĩa là họ đồng ý với việc phân chia trước đó thì không cần chia lại di sản.

Đối chiếu với trường hợp của bạn, mọi người trong gia đình bạn vừa tìm lại được bản di chúc của ông nội – ông nội mất cách đây 3 năm, do đó nếu có căn cứ chứng minh đó là di chúc của ông bạn và bản di chúc của ông là hợp pháp thì bạn với tư cách là người thừa kế theo di chúc, hoàn toàn có quyền yêu cầu chia lại di sản theo di chúc. Nếu giữa các bên không thỏa thuận được về việc phân chia di sản, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án, khi đó áp dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 662 Bộ luật dân sự 2015, chú Hai phải trả cho bạn một khoản tiền tương ứng với giá trị 100 mét vuông đất mà lẽ ra bạn nhận được tại thời điểm chia thừa kế:

Điều 662. Phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế

1. Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer