Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi, tổ tư vấn dân sự công ty TNHH Sao Việt chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, việc xác định loại đất quy định tại điều 11 Luật đất đai 2013 như sau:
“1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
2. Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật này đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều này;
3. Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều này;
4. Đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì việc xác định loại đất thực hiện theo quy định của Chính phủ”.
Trường hợp như bạn miêu tả thì diện tích đất gia đình bạn đang sử dụng ổn định mà không phải do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì loại đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng. Qua đó làm căn cứ để có thể khiếu nại theo quy định của Luật khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính theo quy định của Luật tố tụng hành chính nếu quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình bạn trong việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất không đúng.
Thứ hai, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp khiếu nại, khiếu kiện về đất đai Điều 204 Luật đất đai 2013 quy định:
Đồng thời khi xem xét thẩm quyền trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện theo Điều 33 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định như sau:
“ 1. Trường hợp người khởi kiện có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì Tòa án phải yêu cầu người khởi kiện lựa chọn cơ quan giải quyết và có văn bản thông báo cho Tòa án.
Trường hợp người khởi kiện không thể tự mình làm văn bản thì đề nghị Tòa án lập biên bản về việc lựa chọn cơ quan giải quyết. Tùy từng trường hợp cụ thể Tòa án xử lý như sau:
a) Trường hợp người khởi kiện lựa chọn Tòa án giải quyết thì Tòa án thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung, đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại chuyển toàn bộ hồ sơ giải quyết khiếu nại cho Tòa án;
b) Trường hợp người khởi kiện lựa chọn người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giải quyết thì Tòa án căn cứ vào quy định tại điểm e khoản 1 Điều 123 của Luật này trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo cho người khởi kiện.
Trường hợp hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại và có đơn khởi kiện vụ án hành chính thì Tòa án xem xét để tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục chung.
2. Trường hợp nhiều người vừa khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và tất cả những người này đều lựa chọn một trong hai cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì thẩm quyền giải quyết được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp nhiều người vừa khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, trong đó có người lựa chọn Tòa án giải quyết và có người lựa chọn người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc trường hợp có người chỉ khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền và người khác chỉ khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết được xác định như sau:
a) Trường hợp quyền lợi, nghĩa vụ của người khởi kiện và người khiếu nại độc lập với nhau thì việc giải quyết yêu cầu của người khởi kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án, còn việc giải quyết khiếu nại của những người khiếu nại thuộc thẩm quyền của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại;
b) Trường hợp quyền lợi, nghĩa vụ của người khởi kiện và người khiếu nại không độc lập với nhau thì Tòa án thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung, đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và yêu cầu chuyển toàn bộ hồ sơ giải quyết khiếu nại cho Tòa án.
4. Trường hợp người khởi kiện không lựa chọn cơ quan giải quyết thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện.
Các quy định này là phù hợp với quy định về các khiếu nại không được thụ lý giải quyết tại Khoản 9 Điều 11 Luật khiếu nại 2011 đối với việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì khi bạn cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước đe dọa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của bạn và gia đình thì bạn có thể vừa khởi kiện ra tòa vừa gửi đơn khiếu nại và được lựa chọn nếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã thụ lý giải quyết theo quy định của Luật khiếu nại. Đây cũng là quy định mới so với quy định về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trước đây. Nếu như trước đây người dân chỉ có thể lựa chọn một trong hai phương thức, hoặc đợi đến khi hết thời hạn khiếu nại thì làm đơn khởi kiện. Quy định nêu trên đã thể hiện được tính dân chủ, đảm bảo quyền, lợi ích của người dân.