Vợ chồng tôi có nhu cầu vay ngân hàng một khoản tiền khoảng vài trăm triệu để làm ăn và thống nhất sẽ thế chấp Sổ Đỏ cùng với nhà trên đất. Liệu tôi có thể dùng Sổ Đỏ trên để vay ngân hàng được không?

Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt, chúng tôi xin trả lời bạn như sau:

Việc cá nhân, tổ chức vay tín dụng ngân hàng là hình thức vay khá phổ biến, là một phương thức vay an toàn, đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp giữa các bên, giấy tờ và thủ tục vay rõ ràng, có quy định pháp lý chặt chẽ. Vì vậy, đi kèm với các Hợp đồng vay tín dụng tại ngân hàng sẽ có những biện pháp bảo đảm cho hợp đồng tín dụng đã ký kết mà chủ yếu là biện pháp thế chấp tài sản (thường là thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất mà người dân hay thường gọi là “thế chấp Sổ Đỏ”). Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ vì vậy chúng tôi xin tư vấn cho bạn điều kiện để được thế chấp và một số trường hợp không được phép thế chấp quyền sử dụng đất để bạn tự đối chiếu với trường hợp của mình.

1. Điều kiện để người sử dụng đất được thế chấp quyền sử dụng đất:

Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được thế chấp quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp theo khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013, cụ thể:

+ Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền thế chấp sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất.

+ Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền thế chấp khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

- Đất không có tranh chấp;

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

- Trong thời hạn sử dụng đất.

Như vậy, nếu thiếu một trong 04 điều kiện trên thì bạn sẽ không đủ điều kiện thế chấp.

2. Các trường hợp không được thế chấp quyền sử dụng đất:

Ngoài việc không đám ứng đủ 4 điều kiện ở mục 1 nêu trên, nếu đất rơi vào một trong các trường hợp sau thì người sử dụng đất (cá nhân, tổ chức) cũng không được phép thế chấp:

- Thế chấp Sổ đỏ khi chưa có sự đồng ý của đồng sở hữu

Trong nhiều trường hợp, một mảnh đất có nhiều người cùng chung quyền sử dụng đất, khi đó Sổ đỏ cấp cho người sử dụng đất được gọi là Sổ đỏ đồng sở hữu. Theo đó, điểm b khoản 2 Điều 167 Luật Đất đai 2013 nêu rõ:

“b) Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất”.

- Quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai (không được xem là tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ - Khoản 4 Điều 10 Nghị định 21/NĐ-CP).

- Thuộc loại đất không được phép thế chấp

- Đất của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư (Khoản 2 Điều 181 Luật Đất đai 2013)

- Đất phục vụ cho hoạt động hàng không dân dụng (Khoản 4 Điều 156 Luật Đất đai 2013)

- Đất thuê trả tiền hàng năm: Đối với quyền sử dụng đất trả tiền thuê đất hàng năm, nhà nước chỉ cho phép thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất thuê chứ không được quyền thế chấp quyền sử dụng đất thuê này. (Điểm d Khoản 2 Điều 179 Luật Đất đai 2013)

- Người chưa đủ 18 tuổi; mất năng lực, hạn chế năng lực hành vi dân sự thực hiện giao dịch.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai hiện hành, người chưa đủ 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự có quyền thế chấp quyền sử dụng đất (theo quy định của pháp luật gọi là năng lực pháp luật) nhưng không được tự mình thực hiện hoặc tự ý thực hiện việc thế chấp mà phải thông qua người đại diện.

Bên cạnh đó, khi bạn có nhu cầu vay vốn tại Ngân hàng, vợ chồng bạn nên đến phòng/trụ sở/Chi nhánh giao dịch của Ngân hàng bạn có nhu cầu vay để được cán bộ, nhân viên ngân hàng kiểm tra, hướng dẫn cụ thể về Hồ sơ vay vốn/điều kiện vay theo từng quy định cụ thể của Ngân hàng, qua đó để biết được Hồ sơ của bạn có đủ điều kiện xét duyệt mức vay và quyền sử dụng đất, tài sản trên đất có đạt yêu cầu, điều kiện để Ngân hàng nhận thế chấp hay không.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer