Tôi đi xuất khẩu lao động và đã kết hôn với chồng người Hàn Quốc. Sắp tới hết thời hạn xuất khẩu lao động, vợ chồng tôi dự định sẽ về Việt Nam mua nhà đất làm ăn và sinh sống lâu dài. Tôi nghe nói người nước ngoài không được mua đất tại Việt Nam, vậy xin hỏi sau khi chúng tôi về nước và làm thủ tục công nhận quan hệ hôn nhân, chúng tôi dùng tiền chung để mua nhà đất thì chồng tôi có được cùng đứng tên trên sổ đỏ với vợ không?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thông thường đối với tài sản của vợ, chồng phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, bao gồm cả quyền sử dụng đất được xem là tài sản chung của vợ chồng (trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng).

Khi đó đối với các tài sản chung, vợ chồng có quyền sở hữu ngang nhau và được cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu. Điều này đã được ghi nhận tại Khoản 4 Điều 98 của Luật Đất đai 2013 như sau: “… Quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người”

Tuy nhiên đối với trường hợp bạn kết hôn với chồng là người nước ngoài thì việc đứng tên nhà đất là tài sản chung phải tuân thủ các quy định của Luật đất đai 2013Luật nhà ở 2014 dành riêng cho người nước ngoài như sau:

+ Thứ nhất, về quyền sử dụng đất: Theo quy định tại Điều 5, Điều 186 Luật đất đai 2013, người nước ngoài kể cả người đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều không thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp người nước ngoài nhận thừa kế nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam thì không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất.

+ Thứ hai, về quyền sở hữu nhà ở: Điều 159 Luật nhà ở 2014, Khoản 1, Điều 75 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm nhà ở thương mại (nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở (ngoại trừ khu vực bảo đảm an ninh, quốc phòng theo quy định của Chính phủ).

Vì vậy, đối với các loại hình nhà ở không thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, quyền sử dụng đất, người nước ngoài không được cùng đứng tên trên giấy chứng nhận. Thay vào đó, để cùng đứng tên trên giấy chứng nhận, vợ chồng bạn nên mua nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ chung cư nằm trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer