Hỏi: Gia đình tôi đang xảy ra tranh chấp đất đai với hàng xóm và hiện chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tôi được biết từ ngày 01/7/2025, mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã chính thức được triển khai. Vậy để giải quyết tranh chấp, tôi cần làm những thủ tục gì và gửi đến đâu? Xin cảm ơn Luật sư.
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Dựa trên những thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin đưa ra định hướng giải quyết phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là trong bối cảnh mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/7/2025.
Trước hết, cần hiểu rằng tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Để giải quyết tranh chấp này, pháp luật quy định rõ trình tự, thủ tục hòa giải bắt buộc tại UBND cấp xã trước khi gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp đặc biệt, từ ngày 01/7/2025, thẩm quyền giải quyết một số loại tranh chấp đất đai đã được chuyển từ UBND cấp huyện về UBND cấp xã, theo tinh thần Nghị định số 151/2025/NĐ-CP.
Chi tiết thẩm quyền và trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại cấp xã trong bối cảnh mới như sau:
Ảnh minh họa (nguồn:Internet)
1. Thẩm quyền hòa giải tranh chấp đất đai của cấp xã
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 235 Luật đất đai năm 2024, trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.
2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của cấp xã
Khi chưa thực hiện tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, theo quy định tại Điều 236 Luật đất đai năm 2024 hiện hành, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai bao gồm: Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tòa án, Trọng tài thương mại Việt Nam. Tùy thuộc vào từng loại tranh chấp mà mỗi cơ quan sẽ có thẩm quyền khác nhau.
Tuy nhiên, khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 151/2025/NĐ-CP về phân định thẩm quyền chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực đất đai, một trong những thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai được chuyển giao cho Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện, là giải quyết tranh chấp đất đai. Cụ thể:
Đối với tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật đất đai thì các bên tranh chấp được lựa chọn: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền.
Trường hợp các bên tranh chấp lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền mà thuộc trường hợp là tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp xã giải quyết.
Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp xã mà các bên tranh chấp không khởi kiện hoặc khiếu nại theo quy định tại điểm này thì quyết định giải quyết tranh chấp của Chủ tịch UBND cấp xã có hiệu lực thi hành. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp xã, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính hoặc khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.
Chủ tịch UBND cấp xã khi giải quyết tranh chấp đất đai sẽ ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên nghiêm chỉnh chấp hành. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành mà các bên hoặc một trong các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành. Chủ tịch UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.
Lưu ý: Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì thẩm quyền thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết.
3. Trình tự, thủ tục hòa giải và giải quyết tranh chấp đất đai tại cấp xã khi tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp
Hòa giải tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã
Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã
Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong trường hợp chính quyền địa phương được tổ chức theo mô hình hai cấp, Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền giải quyết một số loại tranh chấp đất đai, đặc biệt là tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khi không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, để quá trình giải quyết được thực hiện đúng pháp luật và đạt hiệu quả, người dân cần nắm rõ các quy định hiện hành, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan và thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Trong trường hợp vụ việc phức tạp hoặc khó xác định căn cứ pháp lý, người dân nên tìm đến sự hỗ trợ của luật sư hoặc đơn vị tư vấn pháp lý có uy tín để được hướng dẫn cụ thể và bảo vệ quyền lợi một cách tốt nhất.
Nếu bạn còn vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai hoặc cần tư vấn chuyên sâu, hãy liên hệ với Luật Sao Việt để được hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.
Liên hệ ngay để được Luật sư, Chuyên viên pháp lý hỗ trợ kịp thời:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com