Lúc sinh thời, bố mẹ tôi có một thửa đất nông nghiệp trồng lúa. Nay cả hai bố mẹ đều đã mất. Vậy nếu các con không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì có được thừa kế đất trồng lúa từ bố mẹ không?
\
Ảnh minh họa: Internet
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty luật Sao Việt, đối với thắc mắc của bạn chúng tôi giải đáp như sau:
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 191 Luật đất đai 2013: “Đối với hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.”
Như vậy, pháp luật chỉ hạn chế giao dịch nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình không trực tiếp sản xuất nông nghiệp chứ không cấm nhận thừa kế đất trồng lúa.
Mặc dù vậy, để biết chính xác việc bạn có được hưởng thừa kế đất nông nghiệp từ bố mẹ hay không, bạn cần xem xét trường hợp của mình có đáp ứng đồng thời 2 điều kiện dưới đây:
Điều kiện 1: Đất trồng lúa do bố mẹ bạn để lại phải có đầy đủ các yếu tố được quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
Đồng thời, theo Điều 168 Luật đất đai có quy định trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Điều kiện 2: Để được nhận thừa kế đất trồng lúa, cá nhân phải thuộc diện được hưởng thừa kế theo quy định luật dân sự
Hiện nay, pháp luật thừa nhận hai hình thức thừa kế là: Thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc.
- Trường hợp bố mẹ bạn lập di chúc để lại tài sản là quyền sử dụng đất đó cho bạn, thì bạn có quyền được hưởng di sản thừa kế. Nếu trong di chúc, bố mẹ bạn không để lại di sản cho bạn thì bạn không được hưởng di sản thừa kế (trừ trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc).
- Nếu bố mẹ bạn mất không để lại di chúc, thì tài sản sẽ được chia theo pháp luật. Theo đó những người ở hàng thừa kế thứ nhất (Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 ) gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết sẽ được chia phần bằng nhau trừ trường hợp quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com