Tôi và chồng đều là người Việt Nam, chồng tôi trước đây làm ở Đại sứ quán Mỹ, hiện tại đã lấy quốc tịch Mỹ và sinh sống ở nước ngoài. Tôi vẫn sống ở Việt Nam và hiện tại đang có ý định thế chấp căn nhà và mảnh đất chung của vợ chồng ở Việt Nam để vay vốn ngân hàng. Vậy trường hợp này chồng tôi có đủ điều kiện để cùng tôi ký hợp đồng thế chấp không vì tôi được biết người nước ngoài không được sở hữu nhà đất tại Việt Nam?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
TRẢ LỜI:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
“Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.” theo định nghĩa tại Khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008
Chồng bạn là người đã từng có quốc tịch Việt Nam, mặc dù hiện tại đã nhập quốc tịch Mỹ nhưng chồng bạn vẫn được coi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
* Về quyền sở hữu nhà:
Theo quy định tại Điều 7 Luật Nhà ở năm 2014 về đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
“1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này”.
Đồng thời, điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 cũng quy định về điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở như sau:
“1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật này.
2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:
a) Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;
c) Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 159 của Luật này”.
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, nếu chồng bạn được phép nhập cảnh vào Việt Nam và ngôi nhà của vợ chồng bạn là nhà ở hợp pháp (có được thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật) thì chồng bạn được công nhận quyền sở hữu đối với nhà ở đó.
* Về quyền sử dụng đất:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 186 Luật đất đai năm 2013 thì: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam”.
Như vậy, chồng bạn vẫn có quyền sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở Việt Nam. Những quyền của người sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở của người Việt định cư ở nước ngoài được quy định tại Khoản 2 Điều 186 Luật đất đai năm 2013 trong đó có quyền “Thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam”
Căn cứ vào các quy định nêu trên thì chồng bạn có đủ điều kiện cùng bạn thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại ngân hàng trong nước. Vợ chồng bạn có thể cùng ký hợp đồng thế chấp nhà ở, hoặc chồng bạn có thể ủy quyền cho bạn thay mặt thực hiện hợp đồng thế chấp nếu như được bên ngân hàng đồng ý do một số ngân hàng lo sợ việc ủy quyền tồn tại nhiều rủi ro về phạm vi, thời gian ủy quyền nên sẽ buộc cả hai vợ chồng cùng thực hiện ký hợp đồng.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com