Em tên Chi, ở Cao Bằng năm nay 17 tuổi. Trước đây em với bố mẹ sống chung nhà với bà nội. Năm ngoái bố em bị tai nạn qua đời, sau khi bố mất, bà muốn đuổi em và mẹ khỏi nhà. Bà lấy lý do đã nhận tiền cọc nên mẹ con em phải chuyển đi, bà sẽ bán nhà cho người trong họ và chuyển sang nhà chú để ở. Em và mẹ không biết ở đâu nếu bà bán căn nhà này. Vậy luật sư cho em hỏi em và mẹ có quyền giữ căn nhà không ạ? Em được biết đất này là bà nội đứng tên, còn nhà do bố mẹ em xây.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ, chúng tôi chưa tiếp cận được hồ sơ vụ việc nên sẽ tư vấn cho bạn theo hai trường hợp giả định sau đây

Trường hợp 1: Sổ đỏ của mảnh đất là của cá nhân (tức chỉ một mình bà nội bạn đứng tên và có quyền sử dụng)

 

Trường hợp này, bà nội bạn là có toàn quyền của người sử dụng đất. Nếu cha mẹ bạn bỏ tiền và công sức xây nhà thì về mặt lý thuyết ngôi nhà sẽ thuộc quyền sở hữu của bố mẹ bạn và bố mẹ bạn có quyền yêu cầu bà nội bạn trả lại tiền đã xây nhà. Bố bạn đã mất nên mẹ bạn có quyền yêu cầu bà nội trả lại một phần tiền xây nhà tương ứng với phần của mẹ bạn và phần mẹ con bạn được hưởng từ di sản của bố bạn. Tuy nhiên về mặt thực tế, nếu không có giấy tờ, chứng cứ chứng minh căn nhà là do bố mẹ bạn bỏ tiền hoặc bỏ công để xây dựng thì việc đòi quyền lợi của mẹ con bạn trong trường hợp này rất khó khăn.

Ở tình huống này, cách tốt nhất là mẹ con bạn thương lượng với bà nội để giải quyết vấn đề, hoặc bà nội giữ lại căn nhà cho mẹ con bạn ở nhờ và trả bà một khoản tương tự tiền “thuê nhà”, hoặc thỏa thuận bà trả một khoản tiền tương ứng tiền xây nhà để mẹ con bạn dọn ra thuê nhà hay mua được một mảnh đất nhỏ để sống.

Nếu không thể thỏa thuận với bà và buộc phải khởi kiện, mẹ con bạn có thể xin văn bản xác nhận của hàng xóm, anh em họ hàng sống gần đó về việc căn nhà là do bố mẹ bạn bỏ tiền ra xẩy; đây không phải căn cứ vững chắc nhưng cũng được coi là một trong những chứng cứ có lợi cho mẹ con bạn.

Trường hợp 2: Sổ đỏ mảnh đất là của hộ gia đình (trên sổ ghi “Hộ ông…” hoặc “Hộ bà…”

Trường hợp này, người đứng tên trên Sổ đỏ chỉ là người đại diện của hộ gia còn quyền sử dụng đất ghi trên Sổ đỏ thuộc về những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất (cấp Sổ đỏ).

Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền thường sẽ căn cứ vào hồ sơ cấp Sổ đỏ để xác định những cá nhân nào sở hữu chung quyền sử dụng đất.

Nếu vào thời điểm cấp sổ đỏ, bố bạn (hoặc bố mẹ bạn) là thành viên của hộ gia đình thì bố mẹ bạn cũng có một phần quyền sử dụng đất. Bố bạn mất mà không để lại di chúc thì quyền sử dụng đất của bố bạn sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Khoản 1 Điều 651 BLDS 2015 bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của bố bạn.

Khi đó, mẹ bạn và bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên sẽ được hưởng một phần quyền sử dụng đất của bố bạn.

Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc phân chia di sản thừa kế tại Văn phòng công chứng nơi có đất.

Nếu rơi vào trường hợp này, bà nội bạn không có quyền tự ý bán mảnh đất mà chưa thông qua sự đồng ý của mẹ bạn và bạn.

Trường hợp này, mẹ con bạn hoàn toàn có thể thỏa thuận phân chia di sản và yêu cầu giữ lại căn nhà. Nếu thỏa thuận không thành công, mẹ con bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer