Tôi có một miếng đất ở Thái Nguyên đã mua từ năm 2018 và đã làm sổ đỏ. Thời điểm tôi mua, đất khu đó còn chưa có ai đến ở, tôi chủ quan nên chưa xây nhà hay dựng rào xung quanh. Hai năm qua dịch bệnh phức tạp và công việc bận rộn nên tôi sinh sống cùng gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh, chưa có thời gian kiểm tra tình trạng mảnh đất đã mua. Hôm qua, người nhà tôi báo mảnh đất của tôi đã bị hàng xóm xây lấn và trồng cây trên đó. Cụ thể họ đổ bê tông làm sân và xây tường rào lấn gần 1m trên phần đất của tôi, phần đất còn lại họ trồng đầy chuối. Tôi đang có ý định cho người nhà đến nói chuyện và nếu họ không trả đất thì sẽ cho đập tường và chặt cây mà họ trồng. Vậy tôi có quyền làm như thế không? Tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Mong luật sư tư vấn giúp tôi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Vì mảnh đất của bạn đã được làm sổ đỏ từ năm 2018 như thông tin bạn chia sẻ nên bạn có toàn quyền của người sử dụng đất theo quy định tại Điều 166 Luật đất đai 2013 bao gồm:

1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.

3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.

4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.

5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.

6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

Ngoài ra, Khoản 2 Điều 175 Bộ luật dân sự cũng quy định người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định. Do đó, việc hàng xóm có hành vi xây lấn chiếm và trồng cây trên đất của bạn mà không có sự chấp thuận của bạn là vi phạm pháp luật và họ đã xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của bạn.

Tuy nhiên, việc bạn muốn đập tường và chặt cây họ trồng lại là một vấn đề khác. Dù có sai phạm trên đất của bạn nhưng bức tường và cây cối họ trồng vẫn là tài sản của họ. Nếu bạn phá tường và chặt cây của họ mà chưa nhận được sự đồng ý thì chính bạn cũng sẽ vi phạm pháp luật. Cụ thể, hành vi gây thiệt hại đến tài sản của người khác có thể bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:

"2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này;

b) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;..."

Nghiêm trọng hơn, nếu giá trị tài sản bị phá hoại trên 2 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu nhưng thuộc một trong các trường hợp luật định, bạn còn có nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015:

“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

…”

Trong trường hợp của bạn, nếu đúng thủ tục pháp luật quy định thì bạn sẽ phải gửi đơn lên UBND xã để tiến hành hòa giải giữa hai bên, nếu hòa giải không thành, bạn tiếp tục tiến hành khởi kiện dân sự ra tòa để tòa án giải quyết vụ việc, sau đó nếu thắng kiện thì cơ quan thi hành án sẽ vào cuộc để trả lại miếng đất như hiện trạng ban đầu. Đây là phương án mất nhiều thời gian và phải thực hiện nhiều thủ tục pháp lý nên sẽ là phương án cuối cùng có thể thực hiện.
Trước hết, bạn cần thu xếp thời gian để xây rào quanh mảnh đất của mình để ngăn hàng xóm tiếp tục lấn chiếm, bạn cần có tường rào và khóa cổng. Sau đó, bạn nên thỏa thuận lại với hàng xóm để cả hai đưa ra phương án xử lý hợp tình cho cả hai bên, còn nếu thỏa thuận vẫn không được, bạn làm đơn gửi lên UBND xã/phường yêu cầu hòa giải, xử lý vi phạm hành chính hành vi lấn chiếm đất của nhà hàng xóm. Sau khi bị xử phạt hành chính mà hàng xóm của bạn vẫn không trả lại hiện trạng đất ban đầu, bạn gửi đơn tố cáo về Tội vi phạm các quy định sử dụng đất đai quy định tại Điều 228 Bộ luật hình sự 2015 lên cơ quan công an cấp huyện nơi có đất:

“1- Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

Trước khi thực hiện xong các công việc pháp lý nêu trên, bạn không nên cho người nhà đến đập phá công trình và chặt bỏ cây cối của nhà hàng xóm để tránh rắc rối pháp lý như trên.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer