Câu hỏi:
Gia đình tôi và hai gia đình hàng xóm hiện nay đang có tranh chấp khoảng 1m rộng của lối đi, nguyên nhân là do một hàng xóm đã cố tình xây lấn ra lối đi có chiều rộng 2,9m, gia tôi và một gia đình hàng xóm khác đã báo lên xã, địa chính xã đã xuống lập biên bản hòa giải giữa các bên và xác định lối đi có chiều rộng 2,9m và yêu cầu gia đình kia phá dỡ công trình trả lại hiện trạng ban đầu nhưng hiện nay gia đình kia vẫn chưa bị xử lý và còn ngang nhiên tiếp tục xây dựng. Luật sư cho tôi biết, UBND xã có thể xử lý được không và bây giờ tôi phải làm đơn gửi đi đâu để có thể giải quyết dứt điểm được hành vi lấn chiếm của hộ kia?
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi, câu hỏi của bạn phòng Tranh tụng dân sự Công ty Luật TNHH Sao Việt xin trả lời như sau:
Căn cứ vào thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng việc tranh chấp của gia đình bạn và hai hộ hàng xóm là tranh chấp lối đi, do một hộ lấn ra lối đi này nên gia đình bạn đã có đơn, sau đó địa chính xã đã lập biên bản có chữ ký của 3 hộ tranh chấp và xác định lối đi là 2,9 m theo như đơn của gia đình bạn. Nhưng hiện nay gia đình kia vẫn tiếp tục lấn chiếm và chưa bị xử lý.
Trước hết, cần cung cấp cho bạn thông tin rằng: Đối với tranh chấp đất đai, UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền thu thập các thông tin tranh chấp sau đó tiến hành hòa giải giữa các bên (Điều 88 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP), biên bản hòa giải nếu thành thì các bên tự ngyện thực hiện, nếu hòa giải không thành hoặc đã hòa giải thành nhưng sau khi có biên bản một trong các bên thay đổi ý kiến thì cũng được xem là hòa giải không thành, các bên tranh chấp phải nộp đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết (Điều 203 Luật Đất đai 2013).
Thứ hai, cần xác định diện tích đường đi này là lối đi chung của 3 hộ hay là đường đi thôn xóm để xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng như hình thức gửi đơn phù hợp.
- Trường hợp đây là lối đi chung và được ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một hoặc cả ba nhà, hoặc lối đi chung chưa được ghi nhận trong sổ đỏ nhưng ghi nhận trong các loại giấy tờ chứng minh quyề sử quy định tại Điều 100 luật Đất đai 2013, hoặc lối đi chung nhưng chưa có GCNQSDĐ hoặc 1 trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 thì bạn sẽ có hai lựa chọn.
+ Một, bạn sẽ nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp Huyện nơi bạn sinh sống và có đất tranh chấp, cùng các tài liệu kèm theo
+ Hai là bạn nộp đơn khiếu nại lên UBND cấp huyện đề nghị giải quyết, đơn khiếu nại cũng bao gồm các tài liệu liên quan đến tranh chấp gửi kèm
- Trường hợp đây là đường đi của thôn xóm cộng đồng dân cư, về nguyên tắc sẽ thuộc sự quản lý của nhà nước, việc hộ gia đình hàng xóm có hành vi lấn chiếm, đây là hành vi lấn chiếm đất công trái phép, gia đình bạn sẽ làm đơn gửi các cơ quan gồm: UBND xã, Phòng tài nguyên môi trường huyện, Thanh tra xây dựng Huyện, và Chủ tịch UBND Huyện. Hình thức đơn là Đơn tố cáo hành vi lấn chiếm đất công. Trong thời hạn tối đa 45 ngày đơn của gia đình bạn sẽ được giải quyết, và hộ gia đình lấn chiếm nếu có đủ căn cứ vi phạm, sẽ bị xử phạt hành chính và buộc phá dỡ công trình xây dựng lấn chiếm.
Trên đây là tư vấn của công ty luật Sao Việt, nếu có thêm thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 1900 6243.