Xâm phạm quyền riêng tư của con có thể là thuật ngữ hơi nặng nề và xa lạ với nhiều bậc cha mẹ, thế nhưng đó lại là vấn đề rất quen thuộc đang xảy ra hàng ngày trong nhiều gia đình, được thể hiện dưới những hành vi đơn giản như: xem trộm điện thoại của con, lén đọc trộm nhật ký, gắn định vị theo dõi con,... Người thường thì cho rằng đó là quan tâm, bảo vệ con cái; người độc đoán thì cho rằng bố mẹ đẻ ra con nên có quyền quản lý và con không có quyền giấu bố mẹ điều gì; rất nhiều người hoàn toàn không biết đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Ảnh minh họa, nguồn: internet.
1. Quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em
Bất cứ ai cũng có quyền bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân,... và trẻ em cũng vậy. Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là những vấn đề được pháp luật bảo vệ, không ai có quyền xâm phạm. Đồng thời, Điều 21 Luật Trẻ em năm 2016 cũng quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ như sau:
“1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.”
Như vậy, bất cứ thông tin nào liên quan đến bí mật cá nhân hoặc thư tín, danh dự, nhân phẩm của con đều là quyền riêng tư của con và mọi hành vi xâm phạm trái phép đều là hành vi vi phạm pháp luật. Ranh giới giữa quan tâm, bảo vệ và xâm phạm quyền riêng tư của con cái thật sự rất mong manh, vì thế nhiều bố mẹ không giữ được ranh giới này.
2. Hành vi xâm phạm quyền riêng tư của con cái bị pháp luật xử lý như thế nào?
a) Xử phạt hành chính
Hành vi tiết lộ thông tin bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị xử phạt từ từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định về việc vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội.
b) Xử lý hình sự
Dù khó tin, nhưng việc xâm phạm quyền riêng tư của con cái có thể khiến bố mẹ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác tại Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể:
“Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;
b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;
c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;
d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;
đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
đ) Làm nạn nhân tự sát.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Tuy nhiên, thực tế rất hiếm nếu không muốn nói là chưa có vụ việc nào bố mẹ bị xử phạt vì xâm phạm quyền riêng tư của con cái. Pháp luật hiện nay cũng có lỗ hổng khi chưa quy định cụ thể "thế nào là trái luật". Hơn nữa, tâm lý chung của cha mẹ hiện nay vẫn tự cho mình có quyền kiểm soát con cái và con cái cũng sẽ không tố cáo bố mẹ khi bị xâm phạm, vì vậy vấn đề xung đột xảy ra thường giải quyết trong phạm vi nội bộ gia đình, không thường đưa pháp luật vào xử lý.
Mặc dù vậy, những người làm cha mẹ nên thay đổi quan điểm cố hữu của mình, không phải vì sợ pháp luật mà vì tôn trọng con cái. Thay vì xem lén tin nhắn của con, đọc trộm nhật ký hay theo dõi con thì nên quan tâm, gần gũi, chia sẻ với con như một người bạn để con tin tưởng và tự nguyện chia sẻ với mình. Việc lén lút xem trộm và kiểm soát con cái không khiến những đứa trẻ trở nên ngoan hơn mà chỉ khiến chúng xa cách bố mẹ và chỉ khéo léo hơn trong việc che giấu.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com