Chào Quý Công ty. Trường hợp của tôi như sau:
Tôi là người Việt Nam lấy chồng người Bỉ, hiện đang sống tại Anh. Ở Anh, chúng tôi chỉ thuê nhà. Ở Việt Nam, tôi và chồng sau khi cưới có mua 1 căn hộ chung cư ở Hà Nội, 1 ngôi nhà ở Đà Nẵng. Tôi cũng được hưởng thừa kế từ cha mẹ một căn nhà mặt đất tại Đống Đa. Vì hết tình cảm nên chúng tôi đang muốn ly hôn, con cái tôi đều đã trên 18 tuổi và sống tự lập. Tôi muốn được giải đáp thắc mắc về việc chia tài sản của hai vợ chồng khi ly hôn sẽ như thế nào? Vì theo tôi được biết người nước ngoài không được sở hữu nhà đất tại Việt Nam. Mong luật sư tư vấn giúp. Tôi xin cảm ơn!
Hình ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Internet
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với vấn đề bạn đưa ra, chúng tôi giải đáp như sau:
Theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình về tài sản chung của vợ chồng thì “Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”
Theo Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của hai người sẽ được chia đôi, nhưng sẽ được tính đến các yếu tố:
- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
- Công sức đống góp của vợ/chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển tài sản chung.
Vì bạn không đưa ra thông tin căn nhà mặt đất được hưởng thừa kế là do cha mẹ viết di chúc cho riêng bạn hay có được theo thừa kế theo pháp luật, nên chúng tôi giả sử hai trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Căn nhà ở Đống Đa do bố mẹ bạn để cho bạn thừa kế riêng.
Trong trường hợp này, căn nhà trở thành tài sản riêng của bạn và sẽ không phải chia khi ly hôn. Như vậy, tài sản cần chia là 1 căn hộ ở Hà Nội và 1 căn nhà ở Đà Nẵng.
Theo quy định tại Điều 75 Nghị định 99/2015/NĐ-CP về khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Do đó, chồng bạn không có khả năng được sở hữu căn nhà mặt đất ở Đà Nẵng, nhưng có thể sở hữu căn hộ CC ở Hà Nội. Khi yêu cầu Tòa án chia tài sản, khả năng Tòa sẽ cho bạn sở hữu căn nhà mặt đất ở Đà Nẵng và chồng bạn sở hữu căn hộ CC ở Hà Nội, tuy nhiên, nếu giá trị của 2 bất động sản này không bằng nhau thì người sở hữu phần hơn sẽ phải trả cho người còn lại một số tiền tương ứng phần chênh lệch.
Tòa án cũng có thể căn cứ vào công sức đóng góp của vợ/chồng bạn trong việc tạp lập hai bất động sản này để chia theo phần đóng góp.
Trường hợp 2: Căn nhà ở Đống Đa hai vợ chồng được thừa kế chung từ cha mẹ
Như vậy, tài sản chung của hai người sẽ là 2 căn nhà mặt đất và 1 chung cư.
Trường hợp này, bạn có thể được sở hữu cả 2 căn nhà mặt đất và phải trả cho chồng bạn một số tiền tương ứng giá trị chênh lệch còn lại.
Nếu hai người không đồng ý chia bằng hiện vật thì buộc phải đấu giá và chia tiền cho các bên (Tuy nhiên phương án này tốn kém và mất nhiều thời gian nên chúng tôi không khuyến khích khách hàng. Vụ việc ly hôn muốn nhanh chóng và đơn giản thì việc thỏa thuận nên được đặt lên hàng đầu)
Để nhận được ý kiến tư vấn và báo giá dịch vụ, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:
Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com