Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng khi ly hôn, “những người trong cuộc” sẽ phải giải quyết dứt điểm, đồng thời các vấn đề liên quan đến tài sản chung vợ chồng hay quyền nuôi con, các quyền và nghĩa vụ khác của mỗi bên như cấp dưỡng, trả nợ…Tuy nhiên trên thực tế, không phải chỉ khi thực hiện ly hôn hai bên mới có thể yêu cầu chia tài sản chung. Thay vào đó, vợ chồng có thể chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, trong khi thực hiện thủ tục ly hôn hoặc sau khi thực hiện thủ tục ly hôn. Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?
Trả lời:
Như đã nêu ở trên, thời điểm chia tài sản chung vợ chồng không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của vợ chồng. Do đó vợ chồng có thể chia tài sản chung ngay trong thời kỳ hôn nhân, khi đang thực hiện thủ tục ly hôn hoặc sau khi đã hoàn tất thủ tục ly hôn. Tuy nhiên ứng với mỗi thời điểm, yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng có thể khác nhau. Điều này hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình.
Một trong những nguyên tắc cốt lõi trong lĩnh vực dân sự nói chung và chia tài sản chung vợ chồng nói riêng, đó là tôn trọng sự thỏa thuận của các bên (vợ chồng). Sự thỏa thuận này bao gồm cả thời điểm chia tài sản chung vợ chồng. Nguyên tắc này được cụ thể hóa tại Luật Hôn nhân gia đình 2014 (Điều 59) và Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC như sau:
"Điều 7. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
1. Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:
a) Trường hợp không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn;
b) Trường hợp có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng các quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 và các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật hôn nhân và gia đình để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn...."
=>> Có thể thấy, pháp luật không quy định cụ thể thời điểm vợ chồng phải thực hiện phân chia tài sản chung mà chỉ quy định việc chia tài sản chung vợ chồng sẽ được giải quyết theo thỏa thuận của vợ, chồng hoặc do Tòa án quyết định. Và dù lựa chọn chế độ tài sản nào thì vợ chồng vẫn có quyền tự thỏa thuận với nhau toàn bộ các vấn đề trong đó có cả thời điểm phân chia tài sản.
Hơn nữa tại Điều 5 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 quy định:
“1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.
2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội”.
Như vậy, quyền yêu cầu phân chia tài sản chung vợ chồng không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của vợ chồng hay các giai đoạn tố tụng dân sự. Theo đó vợ, chồng không bắt buộc phải phân chia tài sản chung ngay khi ly hôn mà sau khi đã hoàn tất thủ tục ly hôn, vợ/ chồng vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com