Chồng tôi là một người nghiện rượu và vũ phu, anh ta đã nhiều lần đánh đập vợ con và thậm chí còn đe dọa cả bố mẹ tôi. Tôi đã nhiều lần đề nghị ly hôn nhưng anh ta không đồng ý, anh ta dọa nếu tôi đưa đơn sẽ đốt cả nhà bố mẹ tôi vì vậy tôi rất lo sợ. Tôi xem phim thấy nước ngoài họ có luật cấm tiếp xúc đối với những người bạo lực gia đình, vậy theo luật Việt Nam mình, liệu tôi có thể yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp, ngăn chặn và áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đối với chồng tôi hay không? Tôi xin cảm ơn luật sư.

Đẩy lùi bạo lực gia đình trên cơ sở thượng tôn pháp luật và chính sáchẢnh minh họa, nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Theo quy định tại Điều 9 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 về quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình thì người bị bạo lực gia đình có các quyền sau đây:

-  Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến hành vi bạo lực gia đình;

- Yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ theo quy định của Luật này;

- Được bố trí nơi tạm lánh, giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình, trợ giúp pháp lý và trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật;

- Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình khắc phục hậu quả, bồi thường tổn hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và thiệt hại về tài sản;

- Được thông tin về quyền và nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình, xử lý hành vi bạo lực gia đình;

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;

- Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngoài ra, tại Chương III Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định về cấm tiếp xúc theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì khi người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực ban hành quyết định cấm tiếp xúc, Chủ tịch UBND xã có thể ban hành quyết định cấm tiếp xúc theo Mẫu số 07 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. 

Khi quyết định cấm tiếp xúc được ban hành, người bị cấm tiếp xúc không được phép đến gần người bị bạo lực gia đình trong phạm vi 100m mà không có tường ngăn hoặc vách ngăn bảo đảm an toàn, đồng thời cũng không được sử dụng điện thoại, thư điện tử hoặc phương tiện, công cụ để thực hiện hành vi bạo lực gia đình với nạn nhân.

Người đang thực hiện quyết định cấm tiếp xúc chỉ được tiếp xúc với người bị bạo lực gia đình trong trường hợp sau đây:

- Gia đình có việc cưới, việc tang;

- Gia đình có người bị tai nạn, bị bệnh nặng cần chăm sóc;

- Tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.

Ngoài ra, nếu muốn tiếp xúc, người bị cấm tiếp xúc phải gửi thông báo bằng văn bản theo Mẫu số 09 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho người được phân công giám sát thực hiện quyết định cấm tiếp xúc. Việc tiếp xúc chỉ được thực hiện sau khi đã gửi thông báo và người được phân công giám sát ký xác nhận vào giấy thông báo tiếp xúc với người bị bạo lực gia đình. Thời gian tiếp xúc không quá 04 giờ. 

Thời gian cấm tiếp xúc không quá 03 ngày cho mỗi lần quyết định cấm tiếp xúc.

Nếu vi phạm quyết định cấm tiếp xúc thì người thực hiện hành vi bạo lực gia đình sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính để ngăn chặn hành vi bạo lực có thể xảy ra.

Về cơ bản, Việt Nam có đầy đủ các quy định về hạn chế, cấm tiếp xúc để phòng, chống bạo lực gia đình, tuy nhiên các quy định này chưa được phổ biến đến người dân và việc giám sát, thực hiện của cơ quan chức năng cũng chưa thực sự nghiêm túc và hiệu quả, từ đó dẫn đến việc người có quyền không thực hiện được quyền của mình còn người có nghĩa vụ cũng không tuân thủ nghĩa vụ. 

Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi khuyên bạn nên gửi đơn yêu cầu chủ tịch UBND cấp xã quyết định cấm chồng bạn tiếp xúc với bạn và gia đình trong thời hạn không quá 03 ngày, khi có hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình.

Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ phải xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; trường hợp không ra quyết định thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ chức, người đề nghị biết.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer