Chị Hiền (Hà Nội): Chào Luật sư, chuyện là bố của tôi có chuyển nhượng quyền sở hữu nhà và mảnh đất đang ở cho em trai của tôi, giấy tờ thủ tục đã xong xuôi từ năm 2018. Nay em tôi vì nợ nần mà muốn bán nhà và đất, gia đình tôi xảy ra mâu thuẫn, em trai tôi đòi đuổi bố ra khỏi nhà. Tôi muốn hỏi hành vi này có vi phạm pháp luật không và tôi phải làm thế nào?
Ảnh minh họa: Internet.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với tường hợp của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở 2014 có quy định: Đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có các quyền sau đây:
“a) Có quyền bất khả xâm phạm về nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình;
d) Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó;
h) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các hành vi vi phạm quyền sở hữu hợp pháp của mình và các hành vi khác vi phạm pháp luật về nhà ở.
….”.
Như vậy, theo các quy định như trên thì em trai của bạn có quyền cho hoặc không cho người khác ở trong nhà thuộc sở hữu của mình.
Tuy nhiên, hành vi đòi đuổi bố ra khỏi nhà của em trai bạn đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật hôn nhân và gia đình. Do đó, hành vi này tùy vào mức độ và hậu quả mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước hết, hành vi đuổi bố ra khỏi nhà đã vi phạm một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình theo quy định tại Khoản 2 Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình 2014 là “…Con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.chăm sóc, kính trọng, phụng dưỡng cha mẹ”.
Do đó, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự:
* Về xử phạt vi phạm hành chính
Hành vi đuổi bố ra khỏi nơi cư trú hợp pháp có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 57 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự:
“Điều 57. Hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thường xuyên đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.”ề
* Về trách nhiệm hình sự
Hành vi đuổi bố ra khỏi nhà của em trai bạn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 BLHS 2015) và tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 186 BLHS 2015), cụ thể:
Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
Điều 186. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Trong trường hợp của bạn, bạn có thể nhờ đến chính quyền địa phương can thiệp và viết đơn tố cáo gửi đến Cơ quan công an.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com