Mang thai hộ là một trong những bước đột phá trong công cuộc lập pháp, mở ra cơ hội có được một đứa con của chính mình cho những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Đặc biệt khi tình trạng vô sinh hiếm muộn đang ngày càng nhiều trong xã hội như hiện nay, mang thai hộ đang là phương án hợp lý được các cặp vợ chồng cân nhắc lựa chọn trên hành trình tìm con. Tuy nhiên, vì đây là một quy định mới nên nhiều người chưa nắm bắt được các điều kiện, yêu cầu cụ thể để được phép mang thai hộ hoặc nhờ mang thai hộ ở Việt Nam hiện nay. Tham khảo ngay bài viết sau đây của Luật Sao Việt nếu bạn quan tâm đến vấn đề này nhé!
1. Điều kiện nhờ mang thai hộ tại Việt Nam
Pháp luật Việt Nam hiện nay cho phép các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn được nhờ mang thai hộ, tuy nhiên không phải bất kỳ trường hợp nào mang thai hộ cũng là hợp pháp. Hiện nay Việt Nam chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tức là một người phụ nữ tự nguyện mang thai và sinh con giúp một cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi đã áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và không vì mục đích thương mại hay bất kỳ lợi ích nào khác.
Cụ thể, đối với bên nhờ mang thai hộ, Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định những điều kiện để được phép nhờ mang thai hộ như sau:
“1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
b) Vợ chồng đang không có con chung;
c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.”
Theo quy định này, bên nhờ mang thai hộ cần đáp ứng một số điều kiện tiên quyết như:
- Là vợ chồng hợp pháp (Có đăng ký kết hôn)
- Vợ chồng không có con chung (Có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ)
- Người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (Có xác nhận của tổ chức y tế)
- Đã được tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý
- Thỏa thuận tự nguyện mang thai hộ phải lập thành văn bản
2. Điều kiện của bên mang thai hộ
Các điều kiện mà người mang thai hộ cần đáp ứng được quy định tại Khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình như sau:
+ Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
+ Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
+ Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
+ Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
+ Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
3. Điều kiện đối với cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:
Các cặp vợ chồng có nhu cầu nhờ người mang thai hộ cũng cần lưu ý lựa chọn những cơ sở khám chữa bệnh uy tín đã được cấp phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ để đảm bảo việc mang thai hộ được thực hiện một cách an toàn và hiệu quả. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 1 Nghị định 98/2016/NĐ-CP, cơ sở khám, chữa bệnh cần đáp ứng các điều kiện sau để được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ:
- Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật này;
- Tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 02 năm.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com