Câu hỏi: 

Chúng tôi sống với nhau từ năm 1994 đến nay, có 1 con chung nhưng chúng tôi vẫn chưa đăng ký kết hôn. Tài sản gồm 1 căn nhà có giấy tờ mang tên tôi, 1 ôtô, một mảnh đất mua chung với người khác mang tên anh ấy nhưng thực tế đều là tài sản chung. Đến nay chúng tôi không ở được với nhau nữa vậy có phải ra tòa để làm thủ tục xin ly hôn hay không, con, tài sản thì chia như thế nào?

Trả lời: 

Điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình quy định:

“b) Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.
Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng”

Anh chị chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 1994, nhưng sau khi Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực pháp luật, trong thời hạn 2 năm anh chị không đi đăng ký kết hôn. Do vậy quan hệ hôn nhân này không được pháp luật thừa nhận, hai anh chị không được coi là vợ chồng.

Về vấn đề nuôi con, quyền lợi của con cái sẽ được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn (Khoản 2 Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình). Do đó, việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con (áp dụng theo Điều 92 Luật HN&GĐ): Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác.

Về vấn đề tài sản, tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con (Khoản 3 Điều 17 Luật HN&GĐ)

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer