Tối 22/5/2022, ngay sau thời khắc U23 Việt Nam đăng quang tại Sea Games 31, dân tình lại được phen xôn xao hơn nữa với drama ngoại tình có một không hai. Cụ thể trong lúc camera ghi lại trận đấu, một cặp đôi đã vô tình lọt vào ống kính và ngay sau đó bị dân mạng tố ngoại tình. Hiện vụ việc vẫn đang gây sốt cộng đồng mạng khiến nhiều người đặt ra giả thiết rằng nếu những gì xảy ra là thật thì người ngoại tình có thể bị xử lý thế nào theo pháp luật?
Ảnh minh họa: Internet
Căn cứ pháp lý:
_ Luật Hôn nhân gia đình 2014
– Nghị định 82/2020/NĐ-CP
– Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Thứ nhất, về khái niệm ngoại tình: cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một văn bản chính thức nào giải thích về hành vi ngoại tình, mà đây chỉ đơn thuần là thuật ngữ bình dân dùng để chỉ hành vi của người đã có vợ hoặc chồng nhưng lại có quan hệ tình cảm với người khác.
Trên thực tế có rất nhiều dấu hiệu nhận biết một người thực hiện hành vi ngoại tình tuy nhiên ở góc độ pháp lý, luật chỉ điều chính đối với hành vi ngoại tình được biểu hiện bằng việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đang có vợ/chồng và một người khác (có thể chưa có hoặc đang có vợ/chồng). Cụ thể, theo quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì nghiêm cấm hành vi kết hôn/ chung sống như vợ chồng giữa:
+ Người đang có vợ, có chồng với người khác
+ Người chưa có vợ, chưa có chồng với người đang có chồng, có vợ
Liên quan đến khái niệm chung sống như vợ chồng tại tiểu mục 3.1, Mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn như sau: Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…
Vì vậy để kết luận một người ngoại tình có vi phạm pháp luật hay không còn phải xem xét lại các yếu tố như tình trạng hôn nhân, có hay không yếu tố chung sống như vợ chồng/ kết hôn với người khác…
Thứ hai, trách nhiệm pháp lý đối với người thực hiện hành vi ngoại tình (chỉ áp dụng với hành vi kết hôn/chung sống như vợ chồng trái luật)
Trách nhiệm hành chính: Trước đây hành vi sống chung như vợ chồng trái pháp luật có thể bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (theo quy định tại điểm c,b khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP, sửa đổi bởi nghị định 67/2015/NĐ-CP).
Tuy nhiên kể từ ngày 1/9/2020 - Nghị định 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực, mức phạt đối với hành vi này đã tăng lên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, cụ thể:
“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.”
Trách nhiệm hình sự:
Ở mức độ nghiêm trọng hơn, người ngoại tình còn có nguy cơ phải đối mặt với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017). Bạn đọc tham khảo tại Ngoại tình – Khi nào bị xử lý hình sự
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com