Anh Vương ( Hà Nội) : Chào Luật sư, mình 28 tuổi, từ khi vợ mình sinh con thì gia đình mình chuyển về nhà ngoại (ở Bắc Ninh) nhờ ông bà ngoại chăm sóc con mình .Khi con mình được gần 15 tháng tuổi thì vợ mình mất . Bây giờ con mình cũng được 23 tháng tuổi, mình muốn giành quyền nuôi con mình và đưa cháu về bên nội nhưng bên ngoại không cho. Vậy ông bà ngoại có dược quyền nuôi dưỡng cháu không, và bây giờ mình phải làm sao? Mong được luật sư giúp đỡ.
Ảnh minh họa: Internet
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Theo Điều 69,71,72 Luật hôn nhân và gia đình 2014, thì việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con cái là quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ. Vì vợ bạn mất; con bạn mới được 23 tháng tuổi nên quyền nuôi con hoàn toàn là quyền của bạn. Trong trường hợp thông thường, ông bà chỉ có quyền chăm sóc, trông nom, giáo dục cháu, chứ không có quyền tranh chấp quyền nuôi dưỡng trực tiếp với cha, mẹ.
Tuy nhiên, nếu bạn thuộc một trong các trường hợp bị hạn chế quyền nuôi con được quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì căn cứ theo từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể ra quyết định hạn chế quyền nuôi dưỡng con của bạn. Và quyền nuôi dưỡng cháu có thể được giao cho ông bà.
" Điều 85. Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên
1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:
a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
b) Phá tán tài sản của con;
c) Có lối sống đồi trụy;
d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này."
Như vậy, trong trường hợp này, bạn nên trao đổi lại và thuyết phục ông bà ngoại để bạn nuôi dưỡng và chăm sóc cũng như tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của cháu. Nếu ông bà vẫn cương quyết phản đối việc bạn nuôi dưỡng con thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận/ huyện nơi ông bà ngoại đang sinh sống. Khi đó, bạn chỉ cần chứng minh bản thân có đủ điều kiện nuôi dưỡng con và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nói trên.
Trên đây là bài viết của Luật Sao Việt đối với vấn đề trên. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com