Trước khi kết hôn, em có mua một căn nhà mặt tiền phố Huỳnh Thúc Kháng. Sau khi kết hôn, em đã cho chồng và mẹ chồng mượn căn nhà này để mở cửa hàng và vay vốn làm ăn, vì là vợ chồng nên không có viết giấy thỏa thuận gì hết. Mấy năm nay lợi nhuận từ việc làm ăn của chồng và mẹ chồng đều do bên chồng em nắm giữ, vì công việc của em bận rộn và thu thập cũng tốt nên việc nuôi con em không cần chồng hỗ trợ. Nay em muốn ly hôn vì chồng ngoại tình, em đòi lại căn nhà đã cho chồng và mẹ chồng mượn nhưng chồng em không chịu trả nhà với lý do đây là tài sản em đã cho thành tài sản chung và viện cớ vài tin nhắn đã nhắn trước kia, nội dung chủ yếu em nói là “Đều là người một nhà, của em cũng là của anh, cứ mở cửa hàng và kinh doanh tốt là đã giúp em nhiều rồi”. Vậy luật sư cho em hỏi khi ly hôn em yêu cầu tòa phân xử luôn việc đòi nhà có được không? Khả năng em đòi được nhà như thế nào? Em xin cảm ơn.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Trả lời
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản riêng của vợ chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 43, tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Quyền đối với tài sản riêng của vợ chồng được quy định tại Điều 44 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
“1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.
3. Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
4. Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ”.
Như vậy, nếu căn nhà là tài sản riêng của bạn không được nhập vào tài sản chung của vợ chồng sau khi kết hôn thì toàn quyền định đoạt tài sản này vẫn là của bạn. Hơn nữa, việc nhập tài sản riêng của vợ chồng vào tài sản chung được thực hiện theo quy định tại Điều 46 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, trong đó quy định việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng và tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.
Theo quy định tại Điều 502 Bộ Luật Dân sự thì Hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy, trường hợp của bạn khi không có hợp đồng thỏa thuận việc nhập tài sản riêng thành tài sản chung thì không có căn cứ xác định đây đã là tài sản chung vợ chồng. Một vài tin nhắn với nội dung như vậy cũng chưa đủ căn cứ.
Cơ bản việc chồng bạn mượn tài sản riêng của bạn là xác lập quan hệ dân sự thông qua hợp đồng mượn tài sản theo Điều 494 Bộ luật Dân sự năm 2015, “là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”.Khi đó, với tư cách bên cho mượn, bạn có quyền đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý; đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn; yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do bên mượn gây ra.
Trường hợp của bạn, nguồn tiền từ việc kinh doanh của chồng tại ngôi nhà riêng của bạn cũng không phải nguồn sống duy nhất của gia đình vì như bạn đã chia sẻ thì thu nhập của bạn khá tốt để tự lo cho con cái.
Khi ly hôn nếu không thỏa thuận được và có yêu cầu thì Tòa án sẽ căn cứ vào Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 để giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng vẫn thuộc sở hữu của người đó, tài sản chung được chia đôi nhưng có căn cứ đến các yêu tố như hoàn cảnh gia đình, công sức đóng góp, lỗi của mỗi bên trong vi phạm nghĩa vụ vợ, chồng,... Vì vậy, việc định đoạt tài sản này không cần sự đồng ý của chồng bạn. Khi khởi kiện ra tòa, khả năng thắng của bạn rất cao.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Liên hệ Luật Sao Việt để được tư vấn miễn phí và báo giá dịch vụ tại:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com