Vợ chồng tôi ly hôn được 3 năm và có một con 5 tuổi. Khi ly hôn Toà án xử cho vợ tôi được nuôi cháu, vừa qua vợ tôi bị tai nạn giao thông và đã mất, nay tôi muốn đón cháu về nuôi nhưng bố mẹ vợ tôi không đồng ý, gần đây còn ngăn cản việc tôi được gặp con. Nay tôi muốn đón con về để nuôi dưỡng và bù đắp cho cháu, giờ tôi phải làm thế nào ạ?
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Trong trường hợp của bạn bạn hoàn toàn có thể đón cháu về nuôi dưỡng, căn cứ theo các quy định sau đây:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 70 Luật Hôn nhân gia đình 2014:
“3. Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.”
Như vậy, theo quy định này thì vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ như nhau trong việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trừ các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
Bạn chỉ bị hạn chế quyền trực tiếp nuôi con khi:
- Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- Phá tán tài sản của con;
- Có lối sống đồi trụy;
- Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Nếu bạn không thuộc những trường hợp nêu trên thì khi vợ cũ mất, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Toà án quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con từ vợ cũ sang cho bạn.
Về việc ông bà ngoại cháu muốn nuôi dưỡng cháu, điều 104 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định như sau:
“1. Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.”
Như vậy, Ông bà nội hoặc ông bà ngoại chỉ có quyền nuôi dưỡng, chăm sóc cháu khi cha, mẹ của cháu đều không còn hoặc cả cha và mẹ đều không có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con hoặc bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền nuôi con; hoặc cháu không có anh, chị, em có đủ điều kiện nuôi dưỡng.
Do đó, trong trường hợp của bạn, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu ông bà ngoại của cháu giao cháu cho bạn nuôi dưỡng và có thể thực hiện 1 trong 2 cách sau đây:
(1) Nếu không thể thỏa thuận với ông bà, nên nhờ các cơ quan, tổ chức chính quyền địa phương như: UBND huyện; Hội liên hiệp phụ nữ, Uỷ ban mặt trận tổ quốc can thiệp, đến làm việc với gia đình ông bà ngoại để họ giao lại cháu cho bạn nuôi dưỡng.
(2) Nếu như không thể thoả thuận lại được với ông bà ngoại của cháu thì bạn làm thủ tục khởi kiện yêu cầu giải quyết việc dân sự: "Công nhân thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn" tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cháu bé đang ở cùng ông bà ngoại.
Sau khi có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa , cơ quan thi hành án sẽ cưỡng chế giao cháu bé về cho bạn.
Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com