Tôi và chồng cũ ly hôn đã được 5 năm, hai con do tôi nuôi dưỡng và chồng cũ của tôi phải cấp dưỡng cho con 4 triệu/tháng. Sau đó, chồng tôi vẫn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đều đặn nhưng khi anh ta lấy vợ được 1 năm nay, anh ta ngừng cấp dưỡng hoàn toàn. Tôi hỏi thì chồng cũ nói đã thỏa thuận toàn bộ thu nhập của anh do H (vợ mới của anh ta) giữ để trả tiền mua nhà, vì vậy không có tiền để cấp dưỡng cho con. Thu nhập của chồng cũ của tôi trước giờ rất cao, đều hơn 30 triệu/tháng. Tôi muốn hỏi việc anh ta thỏa thuận tài sản với vợ mới như vậy về mặt pháp luật có được công nhận không? Tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi cho các con?

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Thông thường tài sản sau khi kết hôn được coi là tài sản chung vợ chồng, tuy nhiên trước và trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng vẫn có quyền thỏa thuận với nhau về chế độ tài sản của vợ chồng.  Chế độ tài sản của vợ chồng bao gồm chế độ tài sản theo luật định và chế độ tài sản theo thỏa thuận. Trong đó, chế độ tài sản theo thỏa thuận là chế độ tài sản do vợ chồng cùng nhau bàn bạc, thảo luận trước khi kết hôn về các nội dung liên quan đến tài sản chung, tài sản riêng, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, vấn đề phân chia tài sản của vợ chồng khi chấm dứt chế độ tài sản vợ chồng; thỏa thuận này được gọi là thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng. Tuy nhiên, thỏa thuận này cần phải lập trước khi kết hôn và cần được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Nếu chồng cũ của bạn và vợ mới của anh ta có lập thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng, trong đó nêu rõ toàn bộ thu nhập của anh ta sẽ do vợ mới nắm giữ để chi trả các chi phí sinh hoạt và trả nợ mua nhà thì đây cũng là thỏa thuận hợp lý. 

Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng sẽ bị vô hiệu trong một vài trường hợp nhất định như “Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình” (Điểm c Khoản 1 Điều 50 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014) nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người có liên quan, tránh trường hợp vợ chồng lập thỏa  thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ 3.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu chồng cũ của bạn và vợ mới của anh ta có thỏa  thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng đi chăng nữa thì thỏa thuận này cũng sẽ vô hiệu vì đã xâm phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng của hai con bạn.

Khi đó, để bảo vệ quyền lợi cho các con, bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 50 của Luật hôn nhân và gia đình:

a) Vợ, chồng hoặc vợ chồng đã thỏa thuận về chế độ tài sản;

b) Người bị xâm phạm, người giám hộ của người bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp do có thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng.

Tuy nhiên, đó là trong trường hợp chồng cũ của bạn và vợ mới của anh ta thực sự có lập thỏa thuận  xác lập chế độ tài sản của vợ chồng; còn trên thực tế hiếm trường hợp nào xác lập thỏa thuận mà người chồng từ bỏ hoàn toàn quyền đối với tài sản như vậy. Có thể họ chỉ thỏa thuận miệng với nhau hoặc cũng có thể chồng cũ của bạn chỉ lấy đó làm lý do để từ chối việc cấp dưỡng cho con. Khi đó, bạn cần chuẩn bị hồ sơ yêu cầu thi hành án gửi đến cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi chồng bạn đang cư trú để buộc chồng bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cái.

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer