Tôi kết hôn năm 2011 nhưng không hạnh phúc, chồng thường hay đánh đập, rượu chè (kể cả khi tôi đang mang bầu). Năm 2014 khi con được 2 tuổi tôi đi nước ngoài xuất khẩu lao động. Sau đó 2 năm, tôi về nước và chúng tôi ly hôn, khi đó Toà tuyên tôi được quyền nuôi con, không cần hỗ trợ từ chồng (con 4 tuổi). Năm 2018 tôi kết hôn với một người khác, chồng cũ cũng đã lấy vợ mới và có con. Tháng 6 vừa rồi, chồng cũ đâm đơn kiện Giành quyền nuôi con với lý do tôi có gia đình mới. Tòa đã gửi thông báo triệu tập tôi lên làm việc, vậy bây giờ tôi phải làm thế nào thưa Luật sư?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Sao Việt, Chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Theo những thông tin bạn đưa ra cho chúng tôi thì đây là vụ việc thuộc sự điều chỉnh của Luật Hôn nhân và Gia đình, cụ thể về tranh chấp giành quyền nuôi con sau khi ly hôn.

Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Theo đó trong trường hợp của bạn, chồng cũ nếu muốn giành lại quyền nuôi con thì sẽ phải chứng minh rằng: Bạn không đủ điều kiện nuôi con và các các điều kiện nuôi con của anh ta có khả năng mang lại cho con cuộc sống tốt hơn so với bạn về mọi mặt gồm cả kinh tế lẫn tinh thần. Cụ thể:

+ Về mặt kinh tế bao gồm các yếu tố như thu nhập hàng tháng đáp ứng được nhu cầu tài chính cho con phát triển lớn khôn; Có chỗ ở ổn định, môi trường sống tốt; con sẽ có những tiện nghi cho việc học hành và di chuyển của con sẽ được đảm bảo,...

+ Về tinh thần: Có thể dành cho con nhiều thời gian và sự chăm sóc; lối sống lành mạnh,…

Như vậy, lý do bạn có chồng mới không phải căn cứ để Tòa án đưa ra quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên khi ra Tòa bạn vẫn cần chứng minh cho Tòa án các điều kiện nuôi con của mình.

Ngoài ra, nếu con bạn đã đủ 7 tuổi trở lên thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con Tòa sẽ phải xem xét nguyện vọng của con.

Trên đây là những giải đáp của Luật Sao Việt, để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 

E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer