Xin luật sư tư vấn giúp tôi, tôi và vợ kết hôn năm 2020, 2 năm sau chúng tôi đón con trai đầu lòng. Con chưa được 6 tháng thì vợ tôi bỏ theo nhân tình, từ đó đến nay không ngó ngàng gì đến con cái, chỉ có duy nhất một lần gửi tiền về 3 triệu vào hôm sinh nhật 1 tuổi của con. Nay chúng tôi làm thủ tục ly hôn, vợ tôi tranh chấp quyền nuôi con. Tôi rất lo vì cháu chỉ mới 23 tháng tuổi, con đã quen với cuộc sống ở nhà nội lâu nay, còn vợ tôi cuộc sống nay đây mai đó, đời sống phức tạp quen biết nhiều người. Vậy có cơ hội nào để tôi được quyền nuôi con không? Tôi xin cảm ơn ạ/.

Tranh chấp quyền nuôi con - hãy nghĩ cho con trẻ - Báo Cần Thơ OnlineẢnh minh họa, nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về Công ty Luật TNHH Sao Việt, đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Theo quy định của pháp luật, vợ, chồng có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con khi ly hôn và pháp luật hoàn toàn tôn trọng sự thỏa thuận này. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền và lợi ích mọi mặt của con trẻ.

Đối với những con dưới 36 tháng tuổi, quyền nuôi con thường nghiêng về phía người mẹ do ở độ tuổi này, sự quan tâm chăm sóc của mẹ đối với con cái là cực kỳ quan trọng và đặc biệt. Tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Thực tế trong xét xử các vụ tranh chấp quyền nuôi con khi con dưới 36 tháng tuổi, Tòa thường nghiêng nhiều hơn về khả năng để cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, chỉ trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng con.

Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/5/2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình. “Người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 là trường hợp người mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

Ví dụ: Trường hợp người mẹ bị đột quỵ và liệt nửa người, không còn khả năng đi lại thì Tòa án không giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

- Có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

- Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Như vậy, nếu bạn có căn cứ chứng minh người mẹ thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì có thể giành được quyền nuôi con, ngay cả khi con đang dưới 36 tháng tuổi. 

Trường hợp mẹ đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con hoặc bạn không có căn cứ chứng minh người mẹ không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì bạn vẫn có khả năng giành được quyền nuôi con nếu Tòa xem xét đến điều kiện về kinh tế, điều kiện chăm sóc, ăn , ở, học hành..., của con mà việc sống cùng cha đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho con hơn. 

Ví dụ:

Án lệ số 54/2022/AL được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 07 tháng 9 năm 2022 và được công bố theo Quyết định số 323/QĐ-CA ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Chánh án TAND Tối cao có nội dung như sau:

“Về việc nuôi con chung: Quá trình giải quyết vụ án chị Phạm Thị Kiều K và anh Nguyễn Hữu P đều có nguyện vọng xin được nuôi cháu Nguyên Đắc T, sinh ngày 30/11/2016. Khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”. Trong vụ án này, chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, chị Phạm Thị Kiều K tự ý về nhà bố mẹ đẻ sinh sống, bỏ lại cháu T mới được 04 tháng tuổi cho anh Nguyễn Hữu P nuôi dưỡng. Tại các Biên bản xác minh cùng ngày 23/01/2018 (bút lục số 19, 20, 24), Ban tự quản thôn và Chi hội phụ nữ thôn H, xã E, huyện K xác nhận: “Anh Nguyễn Hữu P nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Nguyễn Đắc T rất tốt. Anh P có việc làm tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ N, thu nhập ổn định, hoàn toàn đủ điều kiện để nuôi cháu T”. Mặc dù, khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Con dưới 36 tháng tuổi phải giao cho mẹ trực tiếp nuôi...”, nhưng chị K đã không nuôi cháu T từ khi cháu được 04 tháng tuổi. Hiện tại, cháu T đã quen với điều kiện, môi trường sống và được anh P nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo trong điều kiện tốt nhất; nếu giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng sẽ gây sự xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét một cách toàn diện, tiếp tục giao cháu T cho anh P trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng là không phù hợp, chưa xem xét đầy đủ đến quyền và lợi ích hợp pháp về mọi mặt của cháu T.”

Trường hợp của bạn cũng có phần tương tự Án lệ này, người mẹ tự ý bỏ đi từ khi con vài tháng tuổi, không quan tâm đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Con được cha nuôi dưỡng, chăm sóc cùng gia đình nhà nội trong điều kiện tốt và đã quen với môi trường sống tại bên nội. Vì vậy, sẽ có khả năng bạn giành được quyền nuôi dưỡng con, khi bạn chứng minh mình đủ những điều kiện trực tiếp quan tâm, chăm sóc con. Tuy nhiên, đối với những tranh chấp này, việc quyết định của Tòa cần phải dựa trên các căn cứ thực tế nên việc bạn có giành được quyền nuôi con hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc chuẩn bị chứng cứ.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer