Vợ chồng tôi đã ly hôn, Tòa án giao con cho vợ tôi nuôi dưỡng. Nhưng nay tôi nghe người nhà bảo cô ấy chuẩn bị đi nước ngoài xuất khẩu lao động, để cháu ở nhà cho ông bà ngoại chăm. Tôi sợ ông bà đã già cả, chăm sóc cháu không được tốt nên tôi muốn giành lại quyền nuôi con thì có được không và phải thực hiện thủ tục gì?

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Các trường hợp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn:

Theo Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con, theo đó, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

+ Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

+ Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Lưu ý: Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sẽ được xem xét dựa trên ý kiến, nguyện vọng của con. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

Như vậy, trong trường hợp của bạn có thể trao đổi, thỏa thuận với vợ về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho đứa trẻ. Nếu hai bên đạt được thỏa thuận thì yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận trên.

Nếu vợ bạn không đồng ý việc để bạn trực tiếp nuôi con thì bạn có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Theo đó bạn cần thu thập các bằng chứng chứng minh việc vợ bạn không đủ điều kiện trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con cái như mức thu nhập, nơi ở…hay các yếu tố khác làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của con. Về phía bản thân, bạn cũng cần chứng minh các yếu tố tương tự phù hợp với yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con như:

- Điều kiện tài chính:

Trước hết, bạn phải chứng minh về thu nhập thực tế của bản thân, công việc ổn định và có nhà ở hợp pháp. Đây là điều kiện tối thiểu để đảm bảo có thể nuôi dưỡng, dạy dỗ các cháu bé. Bạn cung cấp cho Tòa án các giấy tờ như hợp đồng lao động, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đất/nhà, bảng lương,....

- Điều kiện về tinh thần:

Ngoài điều kiện về tài chính tối thiểu, bạn cần đáp ứng điều kiện về thời gian dành cho các con (có đủ thời gian ở bên con, chăm sóc, đặt con cái lên trên các mục tiêu khác trong cuộc sống,...) đồng thời phải có điều kiện đạo đức, nhân cách tốt để giáo dục các bé

Về thủ tục khởi kiện giành lại quyền nuôi con, bạn chuẩn bị hồ sơ gồm:

- Đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con;

- Bản án/Quyết định ly hôn;

 - Giấy tờ tùy thân của hai bên vợ chồng: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, hộ khẩu, giấy xác nhận nơi cư trú…(bản sao chứng thực)

 - Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực);

 - Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con

Sau đó nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân quận/ huyện nơi cư trú của người đang trực tiếp nuôi con.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer