Chào Luật sư, gần nhà tôi ở có hai bạn sinh viên sống thử với nhau, trong thời gian sống thử bạn nữ không may đã có bầu và sinh bé gái. Bạn nam kia vì lo sợ gia đình phản đối nên đã phủi bỏ trách nhiệm và chuyển đến nơi khác sống.

Biết gia đình tôi hiếm muộn con cái nên khi em bé vừa tròn 2 tháng tuổi, bạn nữ ngỏ ý muốn vợ chồng tôi nhận cháu bé làm con nuôi, một phần vì bạn đó không đủ điều kiện để nuôi con, phần còn lại cũng sợ mọi người ở quê biết lại dị nghị, điều tiếng, ảnh hưởng đến cuộc sống sau này. Thương hoàn cảnh của bạn nữ đó nên vợ chồng tôi quyết định nhận cháu bé làm con nuôi tuy nhiên do bận bịu nên chúng tôi chưa làm thủ tục đăng ký con nuôi trên pháp luật.

Khoảng 2 tháng sau đó, bạn nam là cha ruột đứa trẻ thường xuyên gọi điện làm phiền chúng tôi, lấy lý do đứa trẻ là con của anh ta, lúc cho nhận con nuôi anh ta không biết, vì vậy bây giờ nếu chúng tôi muốn nhận em bé làm con nuôi thì phải được anh ta đồng ý và đưa cho anh ta 10 triệu để bồi dưỡng. Nếu không sẽ đòi lại con. Chúng tôi rất lo lắng không biết trường hợp này nên xử lý thế nào. Nếu đưa tiền cho anh ta thì lần sau anh ta lại lấy cớ đó để vòi vĩnh thêm. Nếu không đưa thì liệu chúng tôi có thực hiện được thủ tục nhận con nuôi không (trên giấy khai sinh của đứa trẻ chỉ có tên người mẹ)? Nhờ Luật sư tư vấn giúp!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Xuất phát từ việc bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em, pháp luật đã quy định một số điều kiện tiên quyết đối với việc cho và nhận con nuôi. Theo đó tại Điều 21 Luật nuôi con nuôi 2010 được hướng dẫn bởi Điều 9 Nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định:

+ Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

+ Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

+ Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.

Như vậy, việc cho nhận con nuôi chỉ cần sự đồng ý của người mẹ nếu tại thời điểm đăng ký nhận con nuôi, người cha thuộc các trường hợp: đã chết/ đã mất tích/ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được cha đứa trẻ.

Với trường hợp bạn đề cập, bạn nhận con nuôi (khoảng 2 tháng tuổi) từ một đôi sinh viên sống thử không đăng ký kết hôn, người cha không nhận con (trên giấy khai sinh của trẻ cũng chỉ có tên của người mẹ), do đó về mặt pháp lý, đứa trẻ này chưa xác định được cha. => Tại thời điểm đó, vợ chồng bạn hoàn toàn có thể thực hiện thủ tục nhận con nuôi không cần sự đồng ý của bạn nam mà chỉ cần sự đồng ý của bạn nữ - là mẹ đứa trẻ.

Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý trường hợp sau đó bạn nam thực hiện thủ tục nhận cha con tại UBND có thẩm quyền, khi đó, quan hệ cha con được pháp luật công nhận và bảo vệ, họ và tên người cha sẽ đương nhiên được bổ sung trên giấy khai sinh của trẻ. Thời điểm này nếu vợ chồng bạn mới bắt đầu thực hiện thủ tục đăng ký nhận con nuôi thì sẽ bắt buộc phải được sự đồng ý của người cha.

Về nguyên tắc, mối quan hệ cha, mẹ nuôi – con nuôi chỉ được pháp luật công nhận và bảo vệ khi người nhận nuôi thực hiện thủ tục nhận con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, để hạn chế những rắc rối phát sinh, vợ chồng bạn nên nhanh chóng hoàn tất thủ tục nhận con nuôi tại Uỷ ban nhân dân xã/phường nơi đang cư trú. Sau khi đã hoàn tất thủ tục nhận con nuôi, nếu bạn nam vẫn tiếp tục có các hành vi quấy rối, yêu cầu vợ chồng bạn giao một số tiền nếu không sẽ đòi lại con thì vợ chồng bạn có thể làm đơn tố giác gửi đến Công an xã, phường về hành vi cưỡng đoạt tài sản, tuyệt đối không chuyển tiền cho đối tượng. 

Có thể bạn quan tâm: Làm thế nào để nhận trẻ em bị bỏ rơi làm con nuôi?

Nhận con nuôi - đăng ký ở đâu khi không có hộ khẩu thường trú?

Điều kiện và thủ tục nhận cháu ruột làm con nuôi? 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer