Vợ tôi thường xuyên bị đồng nghiệp nam – quản lý dây chuyền sản xuất nhắn tin gạ gẫm những chuyện tế nhị, trêu ghẹo, quấy rối tình dục mặc dù anh ta biết nhân viên dưới mình là người đã có gia đình rồi. Vì là chỗ đồng nghiệp nên vợ tôi cũng đã nhiều lần từ chối khéo, muốn giải quyết trên phương diện tình cảm nhưng anh ta vẫn trêu ghẹo, thậm chí còn gửi cho vợ tôi cả những ảnh nóng. Xin hỏi trong trường hợp này vợ tôi nên giải quyết thế nào để dứt điểm mọi chuyện?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn trình bày, đồng nghiệp nam đã có hành vi quấy rối tình dục tại nơi công sở đối với vợ bạn.

Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Bộ luật lao động 2019, khoản 2 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, theo đó có thể hiểu quấy rối tình dục hay còn gọi là gạ tình, bản chất là việc sử dụng các hành động hoặc lời nói có liên quan đến tình dục nhằm gây tổn thương danh dự và nhân phẩm của cả nam hoặc nữ giới.

Trong Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục nơi làm việc ở Việt Nam quy định: Quấy rối tình dục là hành vi có tình chất tình dục xảy ra tại nơi làm việc, gây ảnh hưởng đến nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, tạo ra môi trường làm việc bất ổn, thù địch và khó chịu.

Trong thực tế, những hành vi quấy rối tình dục rất khó chứng minh vì tác động chủ yếu của hành vi quấy rối tình dục là những sang chấn về tâm lý mà không có dấu vết cụ thể.

Các hình thức quấy rối tình dục bao gồm: 

+ Quấy rối thể chất (hành động cố tình đụng chạm, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục. …);  

+ Quấy rối lời nói (lời nói gồm lời nói trực tiếp, nhận xét không phù hợp, có ngụ ý.),

+ Quấy rối phi lời nói (nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm)…

Những kẻ quấy rối tình dục còn có thể sử dụng công nghệ để quấy rối người khác (như gửi tin nhắn bằng văn bản, hình ảnh hoặc video có nội dung không phù hợp).

Trách nhiệm pháp lý đối với người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi công sở:

Thứ nhất, bị xử lý kỷ luật theo nội quy lao động:

Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi công sở là một trong những nội dung bắt buộc phải được quy định trong nội quy lao động của công ty, đồng thời được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc. Điều này được quy định tại Điều 118 Bộ luật lao động, khoản 1 Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Vì vậy, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi quấy rối tình dục, và các quy định trong nội quy lao động, mỗi công ty sẽ áp dụng hình thức xử lý kỷ luật phù hợp đối với người vi phạm như:

+ Khiển trách

+ Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng

+ Cách chức: Hình thức này chỉ áp dụng đối với người lao động đang giữ một chức vụ nhất định trong doanh nghiệp.

+ Sa thải

Mặt khác, theo khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, đối với người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc thường sẽ phải đối diện với hình thức kỷ luật cao nhất đó là bị sa thải.

“ Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:

...

2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động.”

Ngoài ra, người thực hiện hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc còn phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân hoặc cá nhân, tổ chức có liên quan.

Thứ hai, bị xử phạt hành chính đến 30 triệu đồng:

Căn cứ khoản 3 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc dao động từ 15 triệu – 30 triệu đồng:

“3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Thứ ba, ở mức độ nghiêm trọng hơn, người quấy rối tình dục tại nơi công sở còn có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự hoặc Tội truyền bá văn hóa phẩm đổi trụy…tùy theo từng hành vi, mức độ cụ thể. Xem thêm tại Quấy rối tình dục có thể bị xử lý thế nào?

Đối với người lao động bị quấy rối tình dục:

Khi bị quấy rối tình dục, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước theo điểm d khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.

Hướng xử lý:Đối với trường hợp của vợ bạn, khi đồng nghiệp có hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc thì vợ bạn cần lưu lại các bằng chứng và báo với cấp trên trực tiếp của đồng nghiệp để công ty áp dụng hình thức xử lý kỷ luật theo nội quy lao động. Đồng thời vợ bạn cũng có thể xin nghỉ việc để hạn chế tình trạng này.

 

Trên đây là giải đáp của Luật Sao Việt về vấn đề của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục có gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer