Trong quan hệ lao động, khi xảy ra những mâu thuẫn, bất đồng liên quan đến các chính sách lương thưởng, chế độ làm việc nghỉ ngơi, xử lý kỷ luật…người lao động thường có xu hướng đình công nhằm tạo sức ép cho người sử dụng lao dộng. Tuy nhiên không phải bất kỳ người lao động nào cũng hiểu rõ và thực hiện đình công một cách đúng luật, do đó trên thực tế vẫn tồn tại một số trường hợp đình công trái luật, mang tính bộc phát, điều đó khiến cho người lao động có thể đối mặt với nguy cơ bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng…
Ảnh minh họa: Internet
1, Khái niệm đình công
Khái niệm đình công được quy định tại Điều 198 Bộ luật lao động 2019 cụ thể:
“Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.”
Như vậy, sự ngừng việc của một nhóm người lao động chỉ được coi là đình công nếu đáp ứng các yếu tố sau:
+ Là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện, có tổ chức
+ Do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo
+ Mục đích nhằm dạt được yêu cầu trong giải quyết tranh chấp lao động
2, Người lao động được quyền đình công trong các trường hợp nào?
Có 02 trường hợp người lao động được quyền đình công
+ Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
+ Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
( Điều 199 Bộ luật lao động 2019)
3, Các trường hợp đình công trái luật
+ Không thuộc trường hợp được đình công quy định
+ Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.
+ Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật lao động. Cụ thể khi tiến hành một cuộc đình công hợp pháp phải trải qua 3 bước gồm:
Bước 1: Lấy ý kiến về đình công theo quy định
Bước 2: Ra quyết định đình công và thông báo đình công theo quy định
Bước 3: Tiến hành đình công.
+ Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật lao động.
+ Tiến hành đình công ở nơi sử dụng lao động mà việc đình công có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người như nơi sản xuất, truyền tải, điều độ hệ thống điện, nơi thăm dò, khai thác, sản xuất, cung cấp dầu khí, những nơi bảo đảm an toàn hàng không, an toàn hàng hải, nơi cung cấp hạ tầng thông tin và truyền thông, các doanh nghiệp cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường trực tiếp phục vụ cho các thành phố trực thuộc trung ương. nơi trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh
+ Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Cụ thể khi xét thấy cuộc đình công có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoãn hoặc ngừng đình công. Do đó sau khi có quyết định hoãn hoăc ngừng đình công, nếu người lao động vẫn cố tình thực hiện thì cuộc đình công đó được coi là trái luật
4, Các hành vi bị nghiêm cấm trước, trong và sau khi đình công
+ Cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc.
+ Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.
+ Xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.
+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công.
+ Trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công.
+ Lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
5, Tiền lương của người lao động trong thời gian đình công
Theo quy định tại điều 207 Bộ luật lao động 2019, người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 99 của Bộ luật Lao động 2019 và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
6, Chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi đình công trái luật
Theo quy định tại Điều 217 Bộ luật lao động 2019, sau khi đã có quyết định của Tòa án về cuộc đình công là bất hợp pháp thì người lao động đang tham gia đình công phải ngừng ngay đình công và trở lại làm việc.
Trường hợp người lao động tiếp tục đình công, không trở lại làm việc thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị áp dụng các chế tài xử lý như sau:
+ Xử phạt vi phạm hành chính
Hành vi |
Mức phạt |
Căn cứ |
Lợi dụng đình công gây mất trật tự, an toàn công cộng |
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng |
khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP |
Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị hoặc tài sản của người sử dụng lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự |
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng |
điểm c, khoản 2, Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP |
Cản trở thực hiện quyền đình công, kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công |
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng |
điểm a, khoản 2, Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
|
Trù dập, trả thù người tham gia đình công, người lãnh đạo cuộc đình công |
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng |
khoản 3, Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP |
+ Truy cứu trách nhiệm hình sự: Nghiêm trọng hơn, tùy theo từng hành vi, tính chất, hậu quả, người thực hiện đình công bất hợp pháp còn có thể bị truy cứu TNHS về Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 hoặc Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015)
Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự 2015: người lao động đình công trái luật làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Trường hợp phạm tội có một trong các yếu tố sau thì mức phạt tù từ 02 -07 năm
- Phạm tội có tổ chức;
- Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
- Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
- Xúi giục người khác gây rối;
- Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
- Tái phạm nguy hiểm.
Tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản:
Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm.
+ Bồi thường thiệt hại dân sự (nếu gây thiệt hại)