Em là sinh viên mới ra trường và đang thử việc tại 1 công ty với thời gian thử việc là 2 tháng, mức lương 8 triệu đồng, thử việc 85% lương. Nhưng vì môi trường làm việc toxic nên em muốn nghỉ việc khi mới làm được hơn 1 tháng. Khi trao đổi với người quản lý thì họ nói nếu thử việc nghỉ giữa chừng sẽ không được trả lương và phải báo trước 7 ngày. Em muốn hỏi như vậy có đúng pháp luật không. Nếu công ty không đúng thì bị xử lý như thế nào? 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 về kết thúc thời gian thử việc thì:

“1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường”.

Như vậy, trong thời gian thử việc bạn có thể nghỉ bất cứ lúc nào mà không cần báo trước cũng không phải bồi thường. Đối với những ngày công bạn đã làm việc trong thời gian thử việc, bạn vẫn được nhận lương trong quá trình đã làm, tương ứng với số ngày đã làm việc, mức lương thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Việc công ty bạn không trả lương cho người lao động đang thử việc và yêu cầu phải báo trước khi nghỉ 7 ngày là vi phạm quy định pháp luật.

Hành vi vi phạm này của doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định Điểm c khoản 2 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;

b) Thử việc quá thời gian quy định;

c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;

d) Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, b, c khoản 2 Điều này;

b) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này”.

Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm nêu trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Do đó, doanh nghiệp vi phạm có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động.

Để đòi được tiền lương, bạn có thể sử dụng những cách sau đây:

Cách 1: Khiếu nại, tố cáo

- Khiếu nại tới công ty: Bạn gửi văn bản khiếu nại, yêu cầu chi trả lương thử việc tới công ty.

+ Thời gian thụ lý: 07 ngày làm việc.

+ Thời hạn giải quyết: Không quá 30 ngày hoặc 45 ngày đối với vụ việc phức tạp

- Khiếu nại đến SỞ LĐTBXH:

Nếu không được công ty giải quyết, bạn tiếp tục Khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi công ty đặt trụ sở chính

(Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày  thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu). 

+ Thời hạn thụ lý: 07 ngày làm việc.

+ Thời hạn giải quyết: 45 ngày hoặc 60 ngày đối với vụ việc phức tạp

Nếu không được giải quyết đúng hạn hoặc không đồng ý với việc giải quyết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, bạn có thể tiếp tục khởi kiện tới Tòa án.

Hoặc, bạn có thể gửi đơn tố cáo tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, gửi kèm theo các bằng chứng vi phạm của công ty. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành xác minh hành vi vi phạm, nếu có vi phạm người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đồng thời buộc phải giải quyết trả lương cho bạn.

Cách 2: Khởi kiện

Trong trường hợp khiếu nại mà không được giải quyết hoặc không được giải quyết thỏa đáng thì bạn có thể làm đơn khởi kiện gửi lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở để đảm bảo quyền lợi của mình. Khi đó, vụ việc sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục có gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer