Em đang ký HĐLĐ có thời hạn 03 năm với một công ty gần nhà với thời gian làm việc từ ngày 01/01/2021 đến ngày 01/01/2024. Do sự biến động của nền kinh tế khiến cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn nên ngày 01/06/2023, công ty em bắt đầu tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Vậy em muốn hỏi trong trường hợp này thì HĐLĐ của em ký với công ty có bị chấm dứt hay không? Việc giải quyết hợp đồng với người lao động sẽ được thực hiện như thế nào khi công ty tạm ngừng hoạt động?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Việc tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp được quy định tại khoản 3 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
“Điều 206. Tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh
1. Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
…
3. Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.”
Đồng thời, tại khoản 7 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các trường hợp chấm dứt HĐLĐ như sau:
“Điều 34. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
...
7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
...”
Căn cứ theo các quy định nêu trên thì HĐLĐ chỉ chấm dứt khi người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động, không quy định việc chấm dứt trong trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Trong thời gian tạm ngừng hoạt động, công ty của bạn vẫn phải hoàn thành việc thực hiện HĐLĐ đã ký với bạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa các bên.
Tuy nhiên, khi tạm ngừng hoạt động như vậy đồng nghĩa với việc công ty không thực hiện các hoạt động kinh doanh, không thu được lợi nhuận và bên cạnh đó bạn cũng không có việc để làm trong thời gian này. Vì vậy, việc vẫn tiếp tục thực hiện theo đúng các thoả thuận trong HĐLĐ đã ký là không khả thi. Do đó, chúng tôi xin đề xuất một số cách giải quyết hợp tình, hợp lý cho các bên trong trường hợp này như sau:
Cách 1: Tạm hoãn thực hiện HĐLĐ
Căn cứ theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ cho tới khi công ty hoạt động trở lại. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong HĐLĐ, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo cách này, bạn và công ty bạn có thể thoả thuận về việc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ cho tới khi công ty hoạt động trở lại. Tuy nhiên, trong thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, bạn sẽ không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong HĐLĐ, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Cách 2: Tiếp tục thực hiện HĐLĐ, người lao động nhận tiền lương ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động
Căn cứ khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương ngừng việc như sau:
"Điều 99. Tiền lương ngừng việc
Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
…
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.”
Như vậy, trường hợp này bạn có thể thỏa thuận với công ty về việc ngừng việc mà không do lỗi của người sử dụng lao động theo đó tiền lương ngừng việc được tính như sau:
+ Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
+ Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Tùy theo tình trạng kinh tế của cá nhân vào thời điểm hiện tại, bạn có thể lựa chọn một trong hai phương án nêu trên và thỏa thuận với công ty về việc thực hiện.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com