Freelancer đang là xu hướng công việc được giới trẻ yêu thích, do tính linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc, cũng như thu nhập khá tốt so với mặt bằng chung hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm của loại hình này thì công việc freelance cũng có nhiều vấn đề mà các bạn trẻ khá lăn tăn, đó là thuế thu nhập cá nhân và việc đóng BHXH. Hãy cùng tìm hiểu vấn đề này trong bài viết sau đây của Luật Sao việt nhé!
Freelancer là công việc gì?
Freelancer có nghĩa là người lao động tự do. Đây là những người được trả tiền để thực hiện các công việc được thuê mà không bị ràng buộc vào địa điểm hay thời gian làm việc; hầu hết các trường hợp không ký hợp đồng lao động. Hiện nay, những người làm Freelancer chủ yếu làm các công việc cần trình độ tri thức, kiến thức chuyên môn cao và làm việc thông qua các nền tảng internet.
Bộ luật lao động từ trước đến nay đều không có quy định về thuật ngữ này. Tuy nhiên, tính chất của công việc Freelancer có thể nói là tương tự hợp đồng khoán việc hoặc hợp đồng dịch vụ.
Hợp đồng khoán việc mang tính thời vụ, ngắn hạn, không ổn định, người nhận giao khoán phải bỏ toàn bộ hoặc một phần vật chất, sức lao động để hoàn thành công việc, và nhận phần tiền công của mình. Bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành một công việc nhất định theo yêu cầu của bên giao khoán và khi hoàn thành phải bàn giao cho bên giao khoán kết quả của công việc đó.
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Làm công việc Freelancer có phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không?
Việc đóng thuế thu nhập cá nhân đối với người làm freelancer được quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:
“Khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế
1. Khấu trừ thuế
Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập, cụ thể như sau:
...
i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác
Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế (vào mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) và nộp cho cơ quan thuế. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.
Cá nhân làm cam kết theo hướng dẫn tại điểm này phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.
…”
Như vậy, khi chi trả tiền công, tiền thù lao cho người làm freelancer, tổ chức chi trả thu nhập sẽ phải trích 10% trên thu nhập trước khi trả để đóng thuế thu nhập cá nhân cho người làm freelancer.
Nếu người làm freelancer chỉ có duy nhất thu nhập từ công việc này với tổng mức thu nhập chịu thuế của họ sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì người làm freelancer làm cam kết gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
Nếu tổng mức thu nhập chịu thuế ở mức phải nộp thuế thì người làm freelancer phải kê khai và nộp thuế theo bảng thuế lũy tiến từng phần.
Làm Freelancer có được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì:
“Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
...
4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
…”
Với tính chất công việc freelancer thì hầu hết họ đều không ký hợp đồng lao động mà chỉ ký hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng khoán việc. Vì vậy, người làm freelancer không thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trong trường hợp có nhu cầu và mong muốn đảm bảo quyền lợi của mình sau này, người làm freelancer vẫn có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com